Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thập Đại Mỹ Nam Nhân Trung Quốc Phần 1

1. Phan Nhạc


https://khotangtruyenthuyet.blogspot.com/

Phan Nhạc - một tên khác của Phan An, là người Hà Nam sống vào thời Tây Tấn, tên chữ là An Nhân , biệt hiệu là Đàn Nô . Đây là một kỳ nhân của lịch sử Trung Quốc cổ đại, sở hữu một tư dung đã tốt, tinh thần thêm đẹp (tư dung ký hảo, tinh thần diệc giai), vì thế trong dân gian có câu: “mặt tựa Phan An” (mạo tỷ Phan An). Thời trẻ, Phan Nhạc có lần cưỡi xe ra ngoài thành Lạc Dương chơi, lúc ấy có rất nhiều phụ nữ luống tuổi sau khi gặp đều bất giác quay đầu lại nhìn, thậm chí có người si mê đã chạy đuổi theo. Do vậy, Phan An sợ đến mức thường không dám ra ngoài cửa. Có nhiều cô gái đang tuổi hoa niên cảm thấy khó có cơ hội được gần gũi, bèn ném quả vào xe của chàng, cứ mỗi lần trở về thì xe của chàng cũng đầy những quả chín, vì vậy mà trong dân gian thường nói “ném quả đầy xe”. Sau này, biệt hiệu “Đàn Nô” hay “Đàn Lang” sử dụng trong văn học cũng đã trở thành từ ngữ dùng để gọi một chàng trai nào đó được xem là tuấn tú. Có một người có dung mạo cực kỳ xấu xí tên là Trương Mạnh Dương cũng bắt chước dáng điệu Phan Nhạc và đi ra ngoài thành chơi, nhưng mỗi lần ra khỏi cửa thì các chị em đều nhổ nước bọt, ném đá vào xe của anh ta, thế là, xe của anh ta cũng chất đầy đá mà trở về. Đây quả thực là một phiên bản khác của câu chuyện Đông Thi hiệu tần (Đông Thi bắt chước dáng điệu nhăn mặt của Tây Thi)!
Không những là một người có diện mạo đẹp như gấm thêu, mà Phan Nhạc còn là một người viết ra những áng văn chương cũng đẹp như hoa như gấm: từ nhỏ đã lộ rõ tài năng văn chương thiên phú, được người trong làng gọi là kỳ đồng. Vào năm chàng 12 tuổi, một lần Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm nhân lúc cao hứng đã ra lệnh cho mọi người viết văn thơ, kết quả là tác phẩm của Phan Nhạc là bài hay nhất. Các quan đại thần nhìn qua, tác giả của bài thơ ấy là một tên mặt trắng còn non nớt, bèn lấy làm ganh ghét, lập tức đuổi chàng ra khỏi triều đình. Sau mười năm nhàn nhã với thơ phú, Phan Nhạc cuối cùng cũng đã được thu dụng làm quan, giữ chức huyện thái lệnh huyện Hà Dương và cũng có chút công lao đối với việc triều chính. Lúc ấy, ở huyện Hà Dương có trồng rất nhiều cây đào nên người ta gọi chàng là “nhất huyện hoa”. Từ đó về sau, con đường quan lại của chàng luôn không được suôn sẻ mà có lúc thăng lúc giáng, mãi đến năm Nguyên Khang thứ sáu (296), chàng mới trở về Lạc Dương nhậm chức Kinh quan. Một chàng thiếu niên đầy tài năng và dung mạo tuyệt thế của ngày xưa giờ tóc đã hoa râm, đã nếm đủ mọi đắng cay gian khổ trên chốn quan trường, tai đã nghe qua và mắt đã thấy qua những người luôn a dua xu phụ kẻ khác.

Lúc này, quyền lực chính trường rơi vào tay của mụ hoàng hậu xấu xí Giả Nam Phong. Cháu bên ngoại của mụ là Giả Ích rất thích kết giao qua lại với các quan khách, cùng nhau tổ chức nên một hội văn nhân có tên là “Nhị thập tứ hữu” (hai mươi bốn người bạn), dùng chữ nghĩa để dấy lên cơn phiến động trong tập đoàn ngoại thích của Giả hậu. Trong khi đó, mụ ta muốn phế truất thái tử, nhưng Phan Nhạc lại là người bất hạnh khi rơi vào trong âm mưu này: Giả Nam Phong đã phái một quan nhân dưới trướng của mình chuốc cho thái tử uống say rồi bắt Phan Nhạc viết một bài văn tế thần, đồng thời bắt thái tử sao chép lại. Thái tử do uống say nên thần trí không được minh mẫn, đành viết bừa một lúc. Sau khi nhận bài văn của thái tử xong, Phan Nhạc lại sửa một vài nét chữ, biến nó thành một bài văn có ý phản nghịch, khiến thái tử phải bị phế truất, mẹ đẻ của thái tử bị bức tử. Tuy không phải là người lập ra kế hoạch phế truất thái tử, nhưng rõ ràng Phan Nhạc lại là người có vai trò làm khuấy động nên âm mưu này, do vậy, tuy gian kế đã thành công nhưng chàng cũng không được yên. Sau khi thái tử mất, Triệu vương Tư Mã Luân lấy cớ báo thù bèn dấy cơn binh biến và tấn công vào cung, dẹp bè đảng của Giả hậu. Trước đấy, Phan Nhạc đã từng đắc tội với người bạn của Triệu vương nên sau cuộc loạn Bát vương, Triệu vương Tư Mã Luân vừa đoạt được chính quyền đã lập tức ra lệnh bắt Phan Nhạc và phán định hình phạt tru di tam tộc.

Trong cơn loạn Bát vương, Phan Nhạc lại là người tham gia tích cực, vì thế mà chàng phải mang một tội danh lớn: giúp hổ làm ma. Nhưng không vì thế mà vấn đề công và tội của chàng làm mờ đi nét tài hoa trong văn phong, sự tinh tế trong miêu tả của chàng.

Trong cuộc sống, Phan Nhạc là một người rất tốt. Đính hôn từ năm hơn mười tuổi, đối với người vợ kết tóc xe tơ họ Dương, chàng rất mực chung tình. Dương thị mất năm Nguyên Khang thứ 8 (298) khiến Phan Nhạc đau buồn triền miên, viết nên những bài từ điếu vong chứa đầy tình cảm son sắt keo sơn, và đây cũng chính là những bài hay nổi tiếng trong mảng đề tài này. Nhưng đáng tiếc là do mộng công danh quá nặng, gấp gáp trên đường thăng tiến, lại không biết thoả mãn với những gì đã có nên cuối cùng chàng phải mang tội tử.

2. Lan Lăng Vương

 

https://khotangtruyenthuyet.blogspot.com/

Lan Lăng Vương tên là Cao Trường Cung lại có tên là Cao Hiếu Quán , là cháu của Cao Hoan – một vị đại thừa tướng phong lưu anh hùng khởi nghiệp từ bàn tay trắng, một vị đại thần của Đông Nguỵ. Sau khi ông mất, trưởng tử của ông là Cao Trừng tiếp tục lên làm quyền thần thời Đông Nguỵ. Cao Trừng rất sáng suốt trên mảng chính trị, nhưng vào năm 29 tuổi thì lại chết trong tay của bọn nô lệ, để lại sáu đứa con nheo nhóc; trong đó, người con thứ tư đã trở thành Lan Lăng vương được truyền danh ngàn đời nay.

Cao Trường Cung rất kiêu dũng thiện chiến. Tương truyền rằng, vì chàng có vẻ ngoài rất dịu dàng đẹp đẽ, không đủ làm cho kẻ địch khiếp sợ, nên mỗi lần ra trận đều phải đeo chiếc mặt nạ dữ tợn vào. Đời sau có một câu chuyện nổi tiếng kể lại rằng: một lần đi cứu viện Lạc Dương, chàng lãnh suất năm trăm kỵ sĩ, xông qua vòng vây của quân Chu, đột nhập vào thành Lạc Dương. Các binh lính trên thành không nhận ra là ai đã đến, cứ chần chừ vì hoài nghi đó là mưu kế của quân địch. Lan Lăng Vương bèn cởi bỏ khôi giáp (chú ý: đây là chiếc mũ trụ lớn che phần mặt mà không phải là mặt nạ; điển cố “Lang Lăng Vương đeo mặt nạ” có lẽ là do người đời sau thêm thắt vào) để cho binh lính nhìn thấy rõ diện mạo của mình, binh lính trên thành lòng bỗng rúng động vì trông thấy tôn dung, bèn có hơn trăm cung thủ bước đến nghênh đón. Thế là quân Chu nhanh chóng bị đuổi chạy. Để chức mừng thắng lợi, các binh lính đã sáng tác ra Lan Lăng Vương nhập trận khúc , rồi đeo mặt nạ vào và vừa múa vừa hát. Sử sách ghi chép rằng: “Trường Cung dung mạo dịu dàng nhưng lòng mạnh mẽ, quả thực tài mạo song toàn. Hết lòng yêu thương tướng sĩ, mỗi khi được cái gì thì cũng đều chia sẻ cùng tướng sĩ, dù là chỉ một vài quả dưa
Trường Cung mạo nhu tâm tráng, âm dung kiêm mỹ. Vị tướng cung cần tế sự, mỗi đắc cam mỹ, tuy nhất qua sổ quả, tất dữ tướng sĩ cộng chi).

Sau này, không biết vì sao mà Cao Trường Cung lại mắc phải một cái tật: tham tiền tài, của hối lộ ra vào tấp nập, khiến cho nhân dân bán tán xôn xao. Thuộc hạ của chàng là Uất (Uý) Tương Nguyện hỏi rằng: “Bổng lộc của ngài cao như thế, hà tất phải tham lam như thế?”. Trường Cung không biết trả lời thế nào. Tương Nguyện bảo: “Có phải ngài sợ mình có công lao quá lớn, chúa thượng có điều e dè nên ngài cố ý bôi một tý tiếng xấu lên mặt mình?”. Trường Cung mới thốt rằng: “Chính phải”. Tương Nguyện nói: “Nếu triều đình đã tỏ lòng e dè ngài mà ngài làm như thế thì chẳng phải là tự mình thòi chóp ra cho người ta nắm hay sao? Ngài muốn cầu phúc nhưng lại rước lấy hoạ đấy”. Trường Cung ứa nước mắt, quỳ mọp xuống, xin anh ta hiến cho cách để được yên thân. Tương Nguyện nói: “Uy danh của ngài quá lớn, tốt nhất là nên ở nhà dưỡng bệnh, đừng có can dự vào chính sự nữa làm gì”. Trường Cung nghe lời khuyên can xong, bèn giả bệnh, nhưng lòng lại nghĩ nếu gác bỏ tất cả thì không cam tâm. Một nam tử hán đang tuổi hoa niên, ai lại muốn thoái lui? Huống chi chàng lại chẳng có một tính cách của một ẩn sĩ.

Hoàng đế Cao Vỹ của cuối thời đại Bắc Tề một ngày nọ nghe Lan Lăng Vương nhập trận khúc bèn nói với Cao Trường Cung rằng: “Nhập trận quá sâu, chắc chắn nguy hiểm, nếu nhỡ thất bại, hối hận không kịp”. Trường Cung vô ý buột miệng: “Việc nhà đau đáu, thần đâu thể làm ngơ” (Gia sự thân thiết, bất giác toại nhiên). Cao Vỹ nghe thấy hai chữ “việc nhà”, trong lòng nảy sinh hiềm nghi, bèn sai người mang đến cho chàng một chung độc dược. Thế là, hoàng đế giết người mà hoàn toàn không có một lý do nào. Năm Cao Trường Cung mất không được ghi lại trong sách sử, chỉ ước đoán rằng lúc ấy chàng khoảng ba mươi tuổi. Chàng mất đi để lại Trịnh phi goá phụ sớm hôm sống trong đau khổ cùng cực, nàng bèn quy y nơi cửa Phật và sống hết đời của mình tại đấy. Bốn năm sau, nước Bắc Tề do đã mất đi rường cột nên không còn vững mạnh, bị Vũ Văn thị tiêu diệt, con cháu của họ Cao (dòng hoàng thất) toàn bộ đều bị giết sạch.

3. Vệ Giới


https://khotangtruyenthuyet.blogspot.com/

Chúng ta còn nhớ đến Vệ Quán , người đã giết hai cha con Trịnh Ngải sống vào thời Tam Quốc hay không? Vệ Giới, tên chữ là Thúc Bảo , chính là cháu của ông ấy. Nói về sắc đẹp của Vệ Giới, trong Tấn thư có dùng đến những từ như “minh châu”, “ngọc nhuận”. Chàng thuộc kiểu người yêu ghét không lộ ra mặt, nhìn chung là một người ngọc có nét mặt vô tình. Từ thời thơ ấu, chàng trai này đã có khí chất kỳ lạ hơn người, khi ngồi trên xe cho dê kéo đi trên đường Lạc Dương thì luôn dõi mắt nhìn xa, trông giống như một bức tượng được chạm từ bạch ngọc, người đương thời gọi chàng là “bích nhân” (người ngọc bích). Những khi ấy, mọi người dân thành Lạc Dương đều ùa ra chật cả đường để ngắm chàng trai ngọc bích bé nhỏ này. Nhưng người ngọc này lại có một cái tật là rất thích nói chuyện.

Đương thời, phong cách thịnh hành nhất là ít nói (thanh đàm): tay cầm một cái phất trần, hình thái thong thả và nói năng từ tốn. Lúc mới đầu, “thanh đàm” chủ yếu nói về đạo của Lão Trang, còn có ý vị của triết học, về sau trở nên bừa bãi khắp nơi, ví dụ như đàm luận về tướng mạo và hành vi của người khác (Thời Lưỡng Tấn có nhiều mỹ nam nổi tiếng cũng chính vì nguyên nhân này). Cha mẹ của chàng e ngại cái tật nói nhiều của chàng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, hơn nữa, chính trị là một vấn đề rất nhạy cảm, nên tốt nhất là tránh xa, và họ hạn chế việc ăn nói của chàng.

Cuộc loạn Bát Vương đã khiến chính quyền Tây Tấn trở thành một mớ hỗn độn, thế lực của người Hồ thừa cơ xâm nhập vào Trung Nguyên, thiên hạ đại loạn, vì thế mà Vệ Giới hết lòng khuyên cha mẹ di cư về phương Nam. Anh em của chàng không chịu đi, nên về sau đã phải chết trong tay của người Hung Nô. Cả nhà của chàng chạy đến Giang Hạ (nay là Vũ Hán), vợ là Nhạc thị không thể chịu nổi đường xa mệt nhọc nên đã chết. Chinh Nam tướng quân Sơn Giản nhanh chóng đến gả con gái yêu của mình cho Vệ Giới. Vệ Giới lại đưa vợ mới cưới của mình đi về phía Đông, đi đến đất Dự Chương, nơi mà đại tướng quân Vương Đôn trấn thủ (nay là Nam Xương).

Vương Đôn thấy chàng là một nhân tài, lại biết ăn nói nên rất trọng dụng. Nhưng Vệ Giới không hoàn toàn thuận ý, vì chàng cảm thấy người này rất có dã tâm, lâu ngày tất sẽ sinh loạn, không thể dựa dẫm được, bèn tiếp tục di cư và đi về đô thành Kiến Nghiệp của Đông Tấn (nay là Nam Kinh). Quan quân của Kiến Nghiệp do lâu nay đã nghe tiếng đồn về vẻ đẹp của Vệ Giới nên lập tức bổ nhiệm chàng. Các nhân sĩ vùng Giang Đông nghe tin có một đại minh tinh đến bèn đổ xô ra vây lấy chàng để ngắm nhìn, khiến việc di chuyển của chàng trở nên rất khó khăn, suốt cả mấy ngày vẫn không được nghỉ ngơi. Một chàng thiếu niên anh tuấn vốn có thể chất yếu nhược như chàng cuối cùng vì mệt mà bị ốm một trận thập tử nhất sinh, rồi sau thì chết. Chính vì điển cổ này mà sách Thế thuyết tân ngữ mới có câu “nhìn giết Vệ Giới” khán sát Vệ Giới).

Suốt một cuộc đời, Vệ Giới không có chút tiếng tăm nào trên vũ trường chính trị, cũng không có cống hiến gì cho nền văn học nghệ thuật hay kỹ thuật của Trung Quốc, càng không nói chi đến lĩnh vực quân sự. Một người như thế lại được ghi vào trong Tấn thư, điểm này cũng đã cho chúng ta thấy rằng “mỹ nam tử” đã trở thành một hiện tượng văn hoá của đương thời. Sách sử đều nhấn mạnh đến hai điểm khi nhắc về chàng: một là tuấn tú đẹp đẽ, hai là ăn nói khéo léo.


4. Tử Đô


https://khotangtruyenthuyet.blogspot.com/

Kinh Thi từng có câu: “Núi cao có phù tô, vùng trũng có hoa sen. Không gặp được Tử Đô, chỉ gặp kẻ cuồng dại” (Sơn hữu phù tô, thấp hữu hà hoa. Bất kiến Tử Đô, nãi kiến cuồng thả). Câu này có nghĩa là: một người con gái hò hẹn với một chàng đẹp trai nào đó, nhưng cô cứ chờ mãi mà bóng hình chàng trai kia chẳng thấy đâu, chỉ gặp một lão già ngốc nghếch. Trong bài thơ này, “Tử Đô” được dùng làm đại từ thay thế cho chàng đẹp trai, hoặc cũng có thể nói rằng, Tử Đô là đối tượng hẹn hò giả tưởng và là một bạch mã hoàng tử của hầu hết các thiếu nữ (không loại trừ nam thiếu niên) của nước Trịnh. Các thiếu nữ cho rằng, nếu có thể gặp được chàng Tử Đô đẹp nhất nước thì đó là điều vinh hạnh; để có thể gặp được chàng, các cô gái thậm chí đã không tiếc mấy giờ đồng hồ ra đứng đợi trông. Từ đó có thể thấy rằng, khi chưa nhìn thấy Tử Đô mà lại gặp ngay một lão ngốc nghếch thì các cô gái sẽ đau buồn, ai oán và bi thương đến nhường nào.

Sách Mạnh tử lại viết: “Nói đến Tử Đô, trong thiên hạ này không ai không biết đến vẻ đẹp của chàng. Ai không biết đến vẻ đẹp của Tử Đô thì chẳng khác gì là kẻ đui mù” . Ngay đến một Á thánh miệng lúc nào cũng nói đến nhân nghĩa như Mạnh tử cũng bảo như thế thì cũng đủ thấy Tử Đô quả thực là một đại mỹ nam rồi. Vậy thì, một đại mỹ nam Tử Đô gây chấn động thiên hạ này cuối cùng là người như thế nào, làm sao mà chàng lại có một mị lực khiến các cô gái trong thiện hạ phải điên cuồng như vậy?

Tử Đô, người nước Trịnh thời Xuân thu Chiến quốc, tên thực là Công Tôn Yên , Tử Đô là tên chữ. Tử Đô không chỉ có tướng mạo đẹp đẽ mà còn đầy võ nghệ, rất thiện xạ, vì thế mà làm chức Đại phu dưới thời Trịnh Trang Công. Chỉ có điều là, Tử Đô tuy người đẹp đẽ nhưng tính lại ích kỷ nhỏ nhen. Tả truyện, Ẩn công thập nhất niên có ghi chép về câu chuyện: vì tranh xe mà chàng đã bắn chết Kỷ phương đại tướng Dĩnh Khảo Thúc; từ điểm này có thể thấy rằng, Tử Đô vẫn còn thiếu lòng khoan dung và khí khái anh hùng cần phải có của một bậc đại trượng phu.
Tuy còn mắc phải khuyết điểm như vậy, nhưng Tử Đô vẫn là một đại mỹ nam vang danh khắp nơi, dung mạo của chàng không những làm chấn động giới thống trị (đại diện là Trang công), mà còn khiến cho đông đảo dân chúng (đại diện là phụ nữ nước Trịnh) và người đời sau (đại diện là Mạnh tử), họ cũng đều vì điểm này mà liệt Tử Đô vào danh sách của các mỹ nam.


5. Tống Ngọc






Tống Ngọc là một trong hai đại mỹ nam nổi tiếng nhất ngang hàng với Phan An trong lịch sử Trung Quốc, nhưng nói về Tống Ngọc thì có rất nhiều điều mắc míu. Bởi vì, từ trước đến nay chưa có một bộ chính sử hay thậm chí là một bộ dã sử nào nói đến Tống Ngọc đẹp trai như thế nào, duy nhất chỉ có một bài “Đăng Đồ Tử háo sắc phú” do Tống Ngọc viết trong quyển Tả chứng mà thôi. Bài phú này thuật lại rằng có một vị quan đại phu đã nói về Tống Ngọc như sau: “Người thì đẹp như ngọc, nói năng khéo léo, nhưng hiềm một nỗi là bản tính háo sắc”. Tống Ngọc bèn giải thích: Từng có một cô con gái dung nhan mỹ lệ ở nhà phía Đông đã lén leo lên tường nhà để ngắm trộm mình suốt ba năm, nhưng chàng chẳng đoái hoài gì đến cô ta, như thế thì không thể bảo rằng chàng hiếu sắc. Tiếp theo, chàng lại miêu tả rằng Đăng Đồ Tử đã yêu mê mệt người vợ xấu xí của hắn như thế nào, cùng với cô ả sinh ra đến năm mặt con, từ đó đã gán tội danh “tính hiếu sắc” sang Đăng ĐồTử. Thế thường thì người ta đều đặt niềm tin của mình vào người có vẻ ngoài đẹp trai hơn, bèn tin vào lời của Tống Ngọc nói là sự thật, khiến cho cái tên “Đăng Đồ Tử” trở thành đại từ dùng chung cho “phường háo sắc”. Ngoài bài phú này ra, người ta không tìm ra được một dấu tích gì khác có liên quan đến Tống Ngọc.

Tương truyền, Tống Ngọc là đệ tử của Khuất Nguyên. Chàng hoàn toàn không vì dung mạo đẹp đẽ của mình mà đường quan rộng mở, mà ngược lại, chàng rất lận đận trên chốn quan trường. Suốt một đời chàng chưa giữ được một chức quan gì to, tuy rằng chàng có tài về văn chương và rất thạo về âm luật, cũng đã từng được Sở vương cho tiếp kiến, nhưng rốt cuộc cũng chẳng đạt được gì, ngay đến bản kiến nghị cũng chẳng được người dùng. Nhưng chàng không vì thế mà rũ bỏ tất cả, ngược lại, chàng lao mình vào trong sáng tác và đã viết nên nhiều tác phẩm rất hay. Từ thể Tao của Khuất Nguyên, chàng đã sáng tạo nên một thể loại mới, đó là thể Phú , tuy rằng không thể vượt qua cái cũ, nhưng thể loại mới này cũng đã có những đóng góp nhất định. Văn chương của Tống Ngọc rất hoa lệ, khả năng khắc hoạ rất sâu sắc, khiến cho hình tượng “Đăng Đồ Tử” được sáng tạo ra trong tác phẩm “Đăng Đồ Tử háo sắc phú” trở nên rất thành công.

Tương truyền rằng “Đăng Đồ Tử háo sắc phú” là một bài giả mạo, không phải do Tống Ngọc viết ra. Do vậy, nếu quả thực bài phú này là do người khác viết thì vẻ đẹp của Tống Ngọc có lẽ là do người đương thời hoặc giả là người đời sau công nhận. Ngược lại, nếu đây là bài viết thực sự của Tống Ngọc thì vẻ đẹp của chàng có lẽ là sản phẩm của sự cường điệu, và như vậy sẽ khiến cho người ta hoài nghi về tính chân thực của nó. Nhưng bất luận như thế nào thì Tống Ngọc cũng đã đội lên đầu của mình bằng một chiếc mũ cao của một đại mỹ nam, và trên thực tế thì tiếng tăm về vẻ đẹp của chàng cũng đã được lưu truyền thiên cổ.


6. Trâu Kỵ



Thời Chiến quốc, Trâu Kỵ là một người đẹp trai rất nổi tiếng của nước Tề. Thân cao (hơn 8 thước), dung mạo đẹp đẽ. Vẻ đẹp của chàng không chỉ là ở ngoại hình, mà chàng còn là người rất có chiều sâu trong tư tưởng. Nhưng cũng chính là do chàng quá trầm tư nghĩ ngợi mà gặp phải bất hạnh, vì những người thường hay nghĩ ngợi sẽ là người đau khổ hơn so với người bình thường. So với ngoại hình, Trâu Kỵ thích người ta chú ý đến con người bên trong của mình hơn, ví dụ như chàng muốn người ta khen ngợi chàng về tài năng thơ ca, văn chương, cách ăn nói vân vân.
Tương truyền đương thời, Trâu Kỵ luôn mơ mộng rằng sẽ có một cô gái xinh đẹp tuyệt trần đến gánh vác nỗi khổ não thay cho chàng. Mỗi sáng sớm, sau khi thức dậy, mỹ nam nước Tề này bèn đứng trước chiếc gương đồng mà thầm hỏi một cách u uất: Hỡi gương thần gương thần, hãy nói cho ta biết, ai là người đàn ông đẹp nhất nước Tề? Gương thần luôn áy náy mà bảo với chàng: Thật là đáng tiếc, hỡi chủ nhân của tôi, cho đến nay thì người vẫn là người đàn ông đẹp nhất nước Tề. Khi gương thần trả lời xong, gương luôn thấy Trâu Kỵ khóc nức lên một cách rất thương tâm, như mưa tháng ba đang lất phất từng hạt. Cho đến một ngày nọ, gương thần đột nhiên nói với Trâu Kỵ rằng: Hỡi chủ nhân của tôi, cuối cùng thì người không còn là người đàn ông đẹp nhất nước Tề. Nay có một người đàn ông tên là Từ Công (*�公) ở thành phía Bắc, hắn mới là người đàn ông đẹp nhất nơi đây.

Ngày hôm ấy, Trâu Kỵ cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy đến quá đột ngột khiến chàng không tin vào tai mình được. Vì thế nên chàng mới hỏi vợ của mình: Giữa ta và Từ Công ai đẹp hơn? Người vợ đáp: Từ Công sao có thể sánh với chàng được? Thật giống như một quả cà đem sánh với quả anh đào vậy! Trâu Kỵ lại hỏi tiểu thiếp, thiếp trả lời: Từ Công sao có thể sánh với chàng được? Thật giống như một con cun cút đem sánh với con nhạn trên núi vậy! Trâu Kỵ lại hỏi một môn khách, khách đáp: Từ Công sao có thể sánh với chàng được? Thật giống như cỏ đuôi chó đem sánh với cây vân bân vậy! (Vân bân một loại cây có gỗ tốt và đẹp).

Vài ngày sau, Trâu Kỵ trông thấy người đàn ông mà trong mắt mọi người là không thể sánh với mình. Trâu Kỵ suy tư, trầm ngâm phút chốc rồi bắt anh ta đi đến hoàng cung. Trâu Kỵ và Tề Uy vương (齊威王) vừa uống rượu vừa trò chuyện, Trâu Kỵ bèn nói: Đại vương, thần vốn không đẹp bằng Từ Công, nhưng vợ của thần muốn thần mua quả anh đào cho cô ấy; thiếp của thần muốn thần mua thức ăn lạ cho cô ấy; môn khách của thần muốn thần cho hắn ta vài súc gỗ quý để làm nhà, nên tất cả đều bảo Từ Công không đẹp bằng thần. Nhưng thực ra, nếu đem thần ra mà sánh với Từ Công thì thần chẳng khác gì quả cà, con chim cun cút, cỏ đuôi chó vậy, điều này đã chứng minh rằng họ đã che giấu thần. Đại vương, nếu từ việc này mà nói đến đạo trị quốc thì…

Tề Uy vương nghe Trâu bảo thế cũng chìm đắm vào trong suy nghĩ.

Hôm sau, Tề Uy vương triệu Trâu Kỵ vào diện kiến, nói với Trâu Kỵ một cách rất bí mật: “Ái khanh, khanh lại là một người đẹp nhất nước Tề đấy!” Trâu Kỵ không hiểu thế nào, bèn hỏi: “Tại sao thế?” Tề Uy vương cười nói: “Quả nhân đã huỷ dung nhan của tên Từ Công ở thành phía Bắc rồi, bây giờ thì bọn thê thiếp của khanh có khen khanh đẹp trai thì đương nhiên là nói đúng sự thật về khanh rồi!”

Người ta bảo rằng vì chuyện này mà Trâu Kỵ trở nên điên loạn. Tương truyền có người từng gặp chàng, thì thấy chàng đã trở nên ngờ ngệch, chỉ nói đi nói lại một câu: ta chỉ muốn là một người biết suy nghĩ thôi mà!

-----------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét