Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Apollo - Thần Ánh sáng, Tiên tri và Nghệ thuật



Quay lại với chuỗi bài về thần thoại Hy Lạp sau nhiều tháng gián đoạn, chúng ta cùng trở lại với chàng “soái ca” của đỉnh Olympus - thần Apollo. Chàng là anh em sinh đôi của nữ thần xạ thủ đồng trinh Artemis, con của phụ vương Zeus tối cao và nữ thần Leto xinh đẹp. Bà mẹ Leto của họ phải chịu màn “ba máu sáu cơn” của Hera, đi đến cùng trời cuối đất mới sinh hạ được hai anh em mẹ tròn con vuông trên đảo Ortygia, mà sau này được đổi tên thành đảo Dolos (“huy hoàng”). Về sau, Apollo được phụ vương Zeus phong thần, trở thành vị thần của Ánh sáng và Chân lý, đồng thời cũng bảo hộ cho Âm nhạc, Nghệ thuật và thuật Tiên tri. Chàng còn sở hữu biệt tài với thuật bắn cung và đàn lyre, là người phổ biến chiếc đàn lyre tới dân chúng.
Nhiều người thường nhầm lẫn vai trò của Apollo và vị thần Mặt trời Helios, cũng như Artemis bị nhầm lẫn với nữ thần Mặt trăng Selene - em gái của Helios. Anh em Helios và Selene là con của Titan Hyperion, trong đó Helios là vị thần điều khiển cỗ xe mặt trời soi sáng thế gian. Mặt khác, Apollo thường gắn liền với yếu tố ánh sáng của mặt trời và những chức năng nghệ thuật, tiên tri… hoàn toàn khác.

Apollo bảo hộ cho thành Delphi. Tại đó có ngôi đền nổi tiếng, nơi có cô đồng mang danh hiệu Pythia được tuyển chọn từ những trinh nữ đẹp nhất để lãnh sứ mệnh giao tiếp với thần Apollo, phán truyền sấm ngôn đến với người trần mắt thịt. Thuật tiên tri của thần Apollo rất linh ứng, do vậy người dân thường kéo về đền để cầu xin những lời sấm của thánh thần.




Vai trò bảo hộ cho nghệ thuật và âm nhạc của Apollo cũng rất quan trọng. Thần là “ông bầu” của nhóm nhạc đắt giá nhất đỉnh Olympus - những nữ thần nghệ thuật Muses. Thậm chí, chàng cũng dan díu với một số nàng và sinh ra những đứa con nhạc công tài hoa bạc mệnh như Orpheus và Linus. Apollo cũng là bậc thầy chơi đàn lyre, thường chơi đàn trong đám cưới của các vị thần, và truyền nghệ thuật đàn lyre xuống cho dân chúng. Đứa con của Apollo, chàng Orpheus, cũng thừa hưởng tay đàn của cha, mang tiếng đàn xuống đem lại niềm vui cho thế gian.

Apollo cũng là vị thiện thần bảo hộ cho những đối tượng khác như thiếu nhi, người đi biển và những chiến binh. Thật vậy, có rất nhiều vị thần và người phàm tài ba đã được Apollo dưỡng dục thuở thiếu thời. Phải kể đến nhân mã Chiron - bậc thầy của những anh hùng, thần y học Asclepius, hay Anius - đứa con của Apollo và nàng Rhoeo, bị mẹ bỏ rơi nhưng được cha nuôi dưỡng trở thành tư tế cho ngôi đền của chính chàng.

Một khía cạnh cuối cùng không thể không nhắc đến ở thần Apollo, đó là những chiến công và chiến bại. Đó là những chiến công oanh liệt trước mãng xà Python, gã khổng lồ Tityos hay cặp khổng lồ Aloades. Còn “chiến bại” ư? Còn gì khác ngoài những cuộc tình yểu mệnh của Apollo, những người thương hóa thành hoa cỏ nổi danh thiên sử: nàng Daphne, chàng Hyacinthus, nàng Cyrene… và vô vàn nàng thơ, chàng thơ khác. Những câu chuyện về Apollo và các nhân tình sẽ lên sóng Epic trong những bài tiếp theo nhé.

Cre: Epic
Artwork: Huang Guangjian

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Truyền Thuyết Địa Tạng Vương Bồ Tát


Bồ tát Địa Tạng thường xuất hiện trong văn hóa Phật Giáo phương Đông, Ngài được miêu tả giống với một vị hòa thượng mặc áo cà sa oai nghiêm thanh tú. Ngài đã phát nguyện, kể từ lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ cho đến khi Đức Phật Di Lặc Tôn Vương đản sanh, Ngài sẽ ở trong địa ngục hóa độ chúng sinh, nếu địa ngục chưa trống sẽ không thành Phật. Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là vị Phật bảo hộ cho trẻ nhỏ, cũng như hóa độ vong nhi và các thai nhi chết trong bụng mẹ. Địa Tạng Bồ tát được mô tả có vẻ ngoài giống một nhà sư, có một nhúm lông trắng mọc ở trán giữa hai mắt, mặc áo cà sa đỏ, đội mũ tỳ lô quán đảnh, một tay cầm tích trượng 6 vòng biểu hiện cho cứu độ hết 6 đạo luân hồi, một tay cầm linh châu như ý tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt, chân đạp hoa sen hoặc cưỡi Đế Thính. Ngài chính là một trong Lục Đại Bồ tát, Địa Tạng, Quan Âm và Thích Ca Mâu Ni được xưng tụng là Ta Bà Tam Thánh. Ngày vía của Bồ tát Địa Tạng là 30 tháng 7 âm lịch.


Truyền Thuyết Địa Tạng Vương Bồ Tát


Vế ý nghĩa cái tên Địa Tạng, "Địa" có nghĩa dày dặn chắc chắn, "Tạng" là chứa đựng, hai chữ nói lên tấm lòng dung chứa hết mọi khổ ải cho chúng sinh. Nếu Quan Âm Bồ tát cứu độ những con người lâm cảnh khổ nạn thì Địa Tạng Bồ tát hóa độ và cứu rỗi chính những người đã tạo ra nhiều ác nghiệp sâu dày. Trong Mật tông của Phật giáo Tây Tạng, Ngài còn có tên là Dữ Nguyện Kim Cương.

Theo Phật giáo Nhật Bản, những linh hồn sau khi nghe Diêm La phán tội phước sẽ đi đầu thai chuyển kiếp ở cầu Sai (Nại Hà). Ở đây, những vong nhi còn lưu luyến vì kiếp đời mình sống chẳng được bao lâu đã tận mạng, chúng cùng nhau nhặt đá xây nên những cổng thành nhỏ mà không chịu đi, Địa Tạng Bồ tát thường đến vỗ về an ủi khuyên chúng từ bỏ tiền kiếp mà đầu thai, sẽ có thể làm lại kiếp người. Ở một phiên bản khác ghê rợn hơn, quanh cầu Nại Hà có mụ phù thủy Datsuba độc ác, mụ cho rằng những vong nhi chết yểu đã không hoàn thành hiếu đạo với cha mẹ nên mụ lột hết áo quần của chúng, bắt chúng mỗi ngày trần truồng lạnh giá mà nhặt đá xây tháp cho mụ. Cứ xây xong tháp thì bọn quỷ dữ lại xô ngã rồi muốn ăn tươi nuốt sống bọn trẻ, lúc này Địa Tạng Bồ tát sẽ đến, ngài cho chúng chui vào áo cà sa mà trú, những đứa chạy chậm thì bám lên tay áo hay tòa sen. Bồ tát ôm lấy bọn trẻ: "Thôi nào đừng sợ, từ bây giờ ta sẽ là cha, là mẹ của các con". Khi bọn quỷ kéo đến, ngài sẽ dùng minh châu chiếu ánh linh quang xua đuổi bọn chúng.

Truyền Thuyết Địa Tạng Vương Bồ Tát

Một truyền thuyết khác của Nhật Bản vào hàng ngàn năm trước ở một ngôi làng tên Anwa, có người phụ nữ có tấm lòng kính Phật, bà luôn ước ao có được một pho tượng Phật để thờ phụng tại nhà nhưng hoàn cảnh quá nghèo khó. Một hôm giặt giũ bên sông thì có pho tượng Địa Tạng Bồ tát bằng gỗ trôi dạt vào bờ và bà đem về thờ cúng trang nghiêm, do chưa có con nên bà luôn mong Bồ tát gia hộ mình sẽ sinh được một đứa con. Về sau bà sinh ra một cậu con trai đáng yêu, không may khi con lên bốn thì bà mắc bệnh qua đời và người cha lấy thêm một người vợ lẻ. Đứa trẻ lớn lên trong sự nhu nhược của cha và bản tính tàn ác của kế mẫu, được mẹ dạy dỗ kính trọng Phật pháp nên nó vẫn lén mẹ ghẻ mà phụng thờ bức tượng Địa Tạng. Một hôm khi người cha đi lên tỉnh, bà mẹ kế đang ngủ trưa, đứa trẻ lén mang một ít cơm nguội dâng cúng lên Địa Tạng Bồ tát và người mẹ của mình. Lòng nhớ mẹ của đứa trẻ mồ côi nên nó bật khóc và bị mẹ ghẻ phát hiện, bà ta quyết lần này nhổ cỏ tận gốc phải giết chết thằng nhãi ranh phiền phức kia. Nghĩ đến đó, bà ta quăng ngay đứa bé vào chảo nước đang sôi. Người cha đi đường mà tâm trạng vô cùng bất an phải quay về, đến đầu làng ông gặp một nhà sư cõng đứa trẻ đang khóc, nhận ra tiếng của con mình ông chạy đến xin lại con trai, nhà sư giải bày: "Ta đã đổi mạng của ta cho đứa trẻ này khi người mẹ kế của nó đang tìm cách giết nó. Ngươi hãy tìm kẻ nào đáng tin cậy để nuôi dưỡng và giáo dục đứa bé này.” Rất mang ơn vị sư, người cha hỏi ngay: "Thưa thầy, thầy đang trụ trì ở đâu vậy ạ?". Vị sư cười nói: "Ta ở gần đền thờ vua Thập Điện" sau đó biến mất trong không trung. Sau khi mang con gửi ở nhà ông bà nội, người cha về tra hỏi bà mẹ kế: "Con trai tôi đâu? Nó đang ở đâu?'', người đàn bà gian xảo diễn trò mèo khóc chuột: "Tôi rất tiếc nhưng do nó dại dột ham chơi đã ngã xuống sông chết đuối, nước cuốn trôi xác rồi!" Người cha mở nắp chảo nước đang sôi thì thấy pho tượng Địa Tạng Bồ tát của vợ ông ngày xưa đang nằm trong đó, giờ thì người cha đã hiểu tại sao nhà sư lại nói rằng ông ấy "lấy mạng đổi mạng" cho con mình và lại tu ở gần Thập điện diêm vương. Chán nản tình đời dối trá, ông quyết xuất gia kề cận phụng thờ Địa Tạng Bồ tát. Ngày nay ở Nhật, Địa Tạng Bồ tát chính là vị thần bảo hộ cho trẻ con.

Truyền Thuyết Địa Tạng Vương Bồ Tát


Các tiền kiếp:

Một kiếp kia lúc chưa đắc quả Bồ tát, Ngài hóa sanh làm con gái của một gia đình Bà la môn nọ. Lúc đó là vào thời giáo độ của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thánh nữ Bà la môn lại hết lòng cung kính Đức Phật này. Tuy nhiên mẹ cô lại có tâm phỉ báng khinh khi, bà tự ỷ thế cường quyền gieo rắc đau khổ cho kẻ nghèo hèn, bao nhiêu ác nghiệp đã tạo nên khi lâm chung đương nhiên bị đày xuống địa ngục Vô Gián. Nàng con gái thấy mẹ ra đi không an lòng, đem tài sản đi làm việc phước thiện, luôn hướng tâm cúng dường Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại. Một lần, Đức Phật hiển linh nói cho nàng biết rằng hãy về tư gia thiền định và niệm danh hiệu Phật sẽ biết được thân mẫu giờ đang ở đâu. Nàng lễ Phật vừa xong, liền trở về nhà cứ y theo lời Phật dạy, nàng ngồi yên lặng một chỗ, niệm danh hiệu của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai một ngày một đêm. Thình lình nàng thần mộng đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuồn cuộn sôi trào, ba đào sóng bủa, lại thấy nhiều giống ác thú, cả mình bằng sắt, nhảy nhót bơi chạy trên mặt biển, không biết là bao nhiêu, lại thấy những đàn ông và đàn bà, kể hơn trăm ngàn, lặn xuống trồi lên ở trên ấy, thảy đều bị những thú dữ kia dành giựt bấu xé mà ăn thịt. Quỉ Dạ Xoa thì hình thù khác nhau hoặc có thứ nhiều tay nhiều chân, hoặc có thú nhiều con mắt nhiều đầu, hoặc có thứ nanh bén nhọn như gươm mọc ló ra ngoài miệng, thảy đều áp lại lùa đuổi những bọn tội nhơn đến gần cho thú dữ kia ăn thịt. Nàng hỏi thăm một quỷ vương kia và được giải đáp: "Ở phía Tây có ngọn núi cao ngàn trượng tên là Thiết Vi, bên trong núi ấy có một địa ngục. Người ta chỉ có thể đến đây bằng hai cách, một là nghiệp lực sâu dày bị đày đọa, hai là thần thông phi phàm mới đến được, vị đây chắc là Bồ tát tương lai mới có thể ngang nhiên du hành". Thánh nữ lại hỏi thêm rằng:"Biển này là biển gì, tại sao những người kia lại bị hành hạ đến vậy?", quỷ vương hành lễ rồi đáp: "Những người đã chết đó, lúc sanh tiền lại không có chút gì là điều phước thiện, vì vậy nên cứ theo bổn nghiệp của mình mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở nơi địa ngục tự nhiên trước hết phải đọa tới đây. Ở bên phía Đông biển này, cách chừng mười vạn do tuần lại có một cái biển nữa, sự đày đọa của chúng sanh bị vào đó còn khổ hơn đây đến bội phần. Còn bên mé Đông biển kia, lại có một cái biển khác, sự thảm trạng thống thiết không thể kể xiết! Những hạng người thọ khổ là do bình nhựt ở thế gian tạo những nghiệp ác mà phải cảm lấy sự tội báo như vậy, nên ba cái biển đó đều gọi là: “biển nghiệp”. Chính cái biển này gọi là địa ngục!". Nàng lo lắng sợ hãi cho mẫu thân liền hỏi ngay người hiện đang ở đâu, quỷ vương xin hỏi tên tuổi mẹ của nàng. Thánh nữ nhớ lại những nghiệp ác mẹ đã tạo không khỏi xót xa: "Mẹ của tôi tên là Duyệt Đế Lợi, thuộc dòng Bà la môn", quỷ vương mỉm cười: "Xin đại Bồ tát chớ lo, bà Duyệt Đế Lợi đã được thác sanh lên trời cách đây ba ngày rồi, chúng tôi được nghe đó là nhờ công đức bố thí, phóng sinh, cúng dường của con gái bà, không ngờ là Ngài đây". Quỷ vương chắp tay cung kính mà lui, thánh nữ tỉnh lại liền đến đối trước Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà nguyện: "Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai nếu có chúng sanh nào tạo tội mà chịu khổ ở nơi Địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán, tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện mà cứu độ cho đều được phân giải thoát tất cả”.

Lại ở một kiếp khác, khi Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai đang hóa độ. Có cô gái tên là Quang Mục. Khi mẹ qua đời nàng đã lập đàn trai tăng cung thỉnh chư tăng về cúng dường, thuở đó có vị cao tăng đắc đạo, nàng rất tin tưởng nên xin hỏi mẹ hiện đã thác sanh về chốn nào. Vị đại sư liền hỏi: "Lúc sống mẹ của cô có gieo nhân duyên phước đức hay gây điều tội căn nào không?", Quang Mục băn khoăn: "Bạch thầy, mẹ con không những không làm phước thiện lại có sở thích ăn loài cá trạch, bà thường sai người đi bắt cá về rồi chế biến mà ăn, không biết đã tàn sát bao nhiêu sinh linh nghiệp sát vô số". Vị La Hán kia vừa nghe đã biết, ông khuyên Quang Mục hãy bỏ công chí thành xưng niệm danh hiệu của Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, và phát tâm đắp vẻ sơn thếp hình tượng của Phật mà thờ. Quang Mục vâng lời y giáo phụng hành, một đêm kia Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục hiện trong mơ báo rằng:"Mẹ ngươi chẳng bao lâu rồi cũng thác sanh vào nhà ngươi, hễ vừa biết sự đói lạnh thì nói ngay, khi đó ngươi sẽ rõ”. Không lâu sau đứa đầy tớ trong nhà sinh ra đứa trẻ, mới ba ngày tuổi đã bật tiếng nói than đói than lạnh. Một hôm kia đứa trẻ chạy đếm ôm Quang Mục mà khóc: "Ta đây vốn thiệt là mẹ con khi trước. Từ lúc vĩnh biệt đến nay, ta bị đọa vào địa ngục, chịu nổi đắng cay, may nhờ phước lực của ngươi, nên ta mới được đầu thai lên đây. Nhưng vì tội báo còn nặng nên ta phải sanh làm thân hèn hạ như thế này. Đã vậy mà lại không thọ, ta chỉ sống được mười ba tuổi mà thôi, rồi lại phải chết vì bị đọa vào ác đạo nữa. Cầu xin...làm ơn cứu giúp!" Quang Mục vẫn còn điều nghi, nàng bảo đứa trẻ có ác nghiệp gì đời trước thì hãy nói ra, đứa bé khóc nấc: "Do ta phàm ăn tục uống thường xuyên giết hại chúng sinh mang đầy sát nghiệp khi chết đọa vào A Tỳ địa ngục chịu muôn cực hình. Nếu không có con cúng dường Phật pháp, ta sẽ còn chịu khổ đến muôn ngàn kiếp!" Nàng ra quỳ trước bàn thờ Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục mà nguyện rằng: “ Nay tôi vái cùng mười phương Chư Phật, xin từ bi thương xót mà chứng minh cho mấy lời thệ nguyện của tôi ở giữa này. Nếu mẹ tôi đời đời lìa khỏi ba đường dữ cùng khỏi làm người hèn hạ, và đến kiếp nào kiếp nấy cũng khỏi đầu thai làm thân con gái nữa, thì từ đó tôi đối trước tượng Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục đây cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ thế giới nào có chúng sanh bị các tội khổ ở trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, thì tôi thệ nguyện ra sức cứu vớt cả thảy khỏi sự thống khổ nơi ba đường ấy và chừng người nào người nấy đều đặng thành Phật tất cả, tôi mới chịu chứng bực Chánh Giác”. Trong hư không vang lên tiếng nói của Chư Thiên: "Này Quang Mục, mẹ ngươi kiếp này sau khi đủ 13 năm thọ mạng sẽ viên tận rồi thác sanh làm người Phạm Chí, đầy đủ phước thọ!"

Lại nói đến một kiếp kia Địa Tạng Bồ tát sanh làm người trưởng giả rất cung kính Phật pháp. Đương thời kỳ ấy, có Đức Phật, hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai ra đời. Một bữa kia, ông Trưởng giả tình cờ gặp vị Phật ấy, thân tướng tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm, thiệt là tuyệt thắng trên đời, xưa nay chưa thấy. Ông càng xem lại càng thương và càng kính, làm cho ông sanh lòng hân hạnh bội phần liền hỏi Đức Phật công đức thế nào mà được phần hảo tướng ấy. Ngài liền bảo rằng: “Nếu người muốn được kim thân diệu tướng như Ta đây, thì phải phát tâm tu hành, trải vô lượng kiếp cầu đạo bồ đề và một lòng tinh tấn, mà hóa độ tất cả những loài chúng sanh thọ khổ cho thoát khỏi đường tội báo". Đến đó, trưởng giả liền phát nguyện: "ôi nguyện từ nay cho đến đời vị lai, không biết bao nhiêu kiếp số về sau, nếu có chúng sanh nào ở trong sáu đường, bị thống khổ về sự tội báo, thì tôi dùng đủ phương tiện mà độ cho được giải thoát tất cả, chừng đó tôi mới chứng Phật quả”. Vì trong kiếp làm Trưởng giả nói trên, Đức Địa Tạng có phát lời đại nguyện như vậy, nên từ đấy đến nay, trải đã trăm ngàn vạn ức na do tha, không biết bao nhiêu kiếp số rồi, mà Ngài hãy còn làm một vị Bồ tát.

Lại một kiếp khác Ngài sinh làm đại hoàng tử Kim Kyo Gak của nước Tân La (Cao Ly_Nam Hàn), từ nhỏ tính khí ôn hòa thích đọc sách thánh hiền. Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, sau khi tham khảo hết Tam giáo, Cửu lưu và Bách gia chư tử thì Ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục kinh của Nho gia, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với chí nguyện của ta.” Sau đó lập chí xuất gia vào lúc 24 tuổi. Ngài xuất phát ở Incheon đi sang Trung Hoa để tu thiền định, theo ngài chỉ có một con bạch khuyển nuôi từ nhỏ. Cuối cùng ngài chọn núi Cửu Hoa (An Huy ngày nay) để thiền 75 năm, hôm kia ngài bị con rắn nhỏ cắn vào ngón chân vẫn an nhiên thiền định. Lát sau có nữ nhân tuyệt đẹp từ vách núi bay ra: "Con đây là Long Nữ, đứa nhỏ trong nhà nghịch ngợm kinh động kim thân, xin khấu đầu sám hối", nàng bái lạy rồi bay mất, từ nơi nàng bay đi chảy ra một dòng suối trong mát nay chính là dòng Long Nữ Tuyền nổi danh thắng cảnh. Con chó trắng đi theo Ngài về sau khi đắc quả cũng trở thành thần thú bên cạnh gọi là Đế Thính (Thế Thính), con chó này có một bên tai ngoắc lên và một bên cụp xuống. Một tai của nó có thể nghe được pháp âm của thập phương chư Phật, tai còn lại nghe được nỗi thống khổ của thập loại chúng sinh.

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Khởi đầu của vạn vật trong Hy Lạp

Hy Lạp luôn là một trong nhưng chiếc nôi của nền văn minh nhân loại, văn hoá, văn học, triết học, tất cả đều lưu dấu ít nhiều trong những kiến trúc, những sự vật thường ngày của chúng ta. Hy Lạp còn là nơi có những câu truyện thần thoại hấp dẫn và đời thường nhất…
Đó là một khoảng không gian vô tận, không có một thứ gì tồn tại… rồi bỗng nhiên, những năng lượng sơ khai của vũ trụ hội tụ lại và trở thành thực thể đầu tiên: Chaos.


Chaos là vị thần đầu tiên, sơ khai nhất trong thần thoại của người Hy Lạp. Chaos lúc đó chưa tồn tại một ý chí, hay nhân cách như các vị thần sau này vì trong bản thân Chaos chỉ có hỗn mang. Nhưng chính trong hỗn mang, trật tự và những khái niệm khác mới tồn tại. Sau này, khi các titan hay các vị thần trẻ trị, thậm chí khi mọi nền văn minh có đi đến hồi kết thì Chaos vẫn sẽ tồn tại. Chaos tồn tại như một vực thẳm đáng sợ, khai sinh ra các vị thần nhưng đồng thời cũng hấp thu những gì xấu số lọt vào (Zeus đã từng treo Hera lơ lửng trên vực Chaos, doạ rằng sẽ cắt xích cho rơi thẳng vào mà tan biến trong hư vô)
Sơ khai, chỉ có mình Chaos, sau đó, những vị thần còn lại được sinh ra từ Chaos...



Sau khi có Chaos thì Chronos xuất hiện, ông là thực thể đầu tiên, cổ thần đại diện cho thời gian. Thời gian ban đầu chạy một cách bất quy tắc, không thể dự đoán, nhưng sau đó, khi nữ thần Ananke xuất hiện. Bà là cổ thần của quy luật, của sự bắt buộc, bà kết hôn với Chronos, hai vợ chồng có một cung điện riêng của mình, nằm ngoài dòng thời gian… Từ đó thời gian chảy thành một dòng nhất định, luôn luôn vận hành, không ngừng nghỉ, tất cả những sự biến đều chỉ như một gợn nhỏ trên dòng chảy thời gian.
Vậy là Chaos sinh ra đại diện cho không gian, cho sự sâu thẳm của vũ trụ, cho sự sơ khai, còn vợ chồng Chronos và Ananke đại diện cho thời gian, làm cho vạn vật vận hành, thiết đặt một điểm mốc cho vạn vật.
Chaos tượng trưng cho không gian và không bao giờ có một cơ thể hữu hình, còn hai vợ chồng Chronos được khắc hoạ rất rõ. Chronos có đôi cánh sau lưng, tay cầm lưỡi hãi, tay cầm một chiếc đồng hồ cát, lưỡi hái đó kiểm soát thời gian, là vật tượng trưng cho sức mạnh. Ananke thì ngồi trên một chiếc ngai, cầm quyền trượng, dưới chiếc ngai đó là những vị nữ thần Mệnh (Morai – Fates), số mệnh cũng phải đầu hàng trước những quy luật, trước sự bắt buộc.

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Quái Vật Hy Lạp



1. Echidna

Truyền thuyết về Echidna



Tạo hóa sinh ra vạn vật đều có đôi có cặp. Ác thần Typhon cũng không phải ngoại lệ. Typhon khủng khiếp cỡ nào thì ắt cũng phải có một mụ khủng khiếp không kém cho đôi lứa xứng đôi. Kẻ đó là Echidna, mụ quái vật nửa người nửa rắn.

Về nguồn gốc của Echidna vẫn còn nhiều tranh cãi, có người nói Echidna là con của nữ hải thần Ceto (con gái của Gaia và hải thần Pontus con trai bà), có người lại nói mụ cũng là một người con của Gaia và Tartarus giống như chồng mụ. Nhưng có một điều chắc chắn, Echidna là vợ của Typhon và cuộc hôn nhân này đã tạo ra những quái vật đáng sợ nhất trong thần thoại Hy Lạp. Phải kể đến trong số đó những cái tên như: chó hai đầu Orthus, chó ngao ba đầu Cerberus, Hydra, sư tử Nemean, đại bàng Caucasian, Chimera, rồng Ladon, rồng Colchian, lợn rừng Crommyonian và Sphinx.


Sau khi lật đổ Zeus bất thành, Typhon bị giam cầm dưới núi lửa Etna, nên duyên với Echidna và sinh ra bầy con quái vật. Echidna và lũ con của mụ được Zeus tha cho bởi ông muốn dùng những con quái vật của Echidna làm thử thách cho các vị anh hùng. Mụ sống lẩn khuất trong một hang động, tránh xa các vị thần và người phàm, nhưng cũng sẵn sàng ăn thịt mọi con người và sinh vật sống bén mảng đến gần.

Trong dân gian, Echidna được coi là hiện thân của bệnh dịch, sự thối nát, suy đồi và những gì căn bã xấu xa nhất. Có người nói rằng mụ bất tử, ngày nay có khi vẫn còn ở đó; có người lại kể Echidna đã bị hạ sát bởi mũi tên của thần Apollo, hoặc Argos Panoptes kẻ tay sai của Hera.

2. Typhon

Truyền thuyết về Typhon


Typhon là một quái thú trong thần thoại Hy Lạp, xứng đáng xếp vào hàng những con quái hùng mạnh nhất trong các thần thoại, bởi thử nghĩ xem, trên đời mấy ai có thể rút gân, đánh bại được thần Zeus quyền năng. Typhon là đứa con cuối cùng của Đất mẹ Gaia phối ngẫu với Địa ngục Tartarus, mang theo sứ mệnh giải cứu những đứa con Titan của Gaia bị Zeus giam cầm, và lật đổ Zeus thống trị thế giới.

Cơ thể Typhon to lớn vĩ đại, đầu muốn chạm tới trời, thân dài như sông biển, lại thêm đôi cánh sải rộng mênh mông. Khắp cơ thể hắn là rắn: đầu là 100 con rắn độc, ngón tay là 10 con rắn, cùng phát ra những tiếng gào rít ghê rợn, miệng có thể phun ra lửa. Lại có thể giả tiếng kêu của động vật, sủa như chó, gầm như sư tử, biến hóa khôn lường. Với vóc dáng khủng khiếp và sức mạnh vô địch, Typhon đã có một cuộc chiến huyền thoại với Zeus. Tất nhiên là sau khi các vị thần linh khác đã… tháo chạy hết sang Ai Cập, biến cả thành động vật để né Typhon, chỉ còn mỗi cha con Athena và Zeus ở lại chiến đấu. Trận chiến diễn ra long trời lở đất, và kết thúc hiệp đầu tiên, Zeus bị Typhon đánh bại, lóc hết gân đem giấu vào bọc cho con rồng Delphyne canh giữ.

Zeus bị rút gân không cử động được, sống không bằng chết, lại bị Typhon nhốt vào một hang động hẻo lánh trên đảo Sicile. Tình hình khiến các vị thần Olympus lao đao vì lo lắng. Lúc đó, thần Hermes và thần Pan đứng ra tìm cách cứu Zeus. Họ tới gặp Typhon với chiếc đàn lyre, lừa nó rằng cây đàn tuyệt diệu này đang bị hỏng dây, và chỉ có gân của một vị thần mới có thể sửa được cây đàn thánh thót trong trẻo như ban đầu. Typhon tin thật, giao cho họ gân của Zeus. Hermes và Pan bèn nối gân cho Zeus, ông trỗi dậy mạnh mẽ hơn xưa, trở lại đối đầu với Typhon. Sau một hồi quần thảo không phân thắng bại, cuối cùng Zeus ném nguyên một quả núi đè bẹp Typhon, giáng nó xuống lòng núi lửa Etna, có người nói nó bị giáng hẳn xuống địa ngục Tartarus. Tương truyền, Typhon bị nhốt dưới lòng núi vẫn không ngừng cựa quậy hòng tìm cách thoát ra, chính vì thế mà nhân gian vẫn thường xảy ra động đất hoặc núi lửa phun trào.

Dưới lòng đất, Typhon lại kết duyên với mụ nữ quái Echidna, sinh ra rất nhiều quái vật có tiếng trong thần thoại Hy Lạp, có dịp sẽ kể sau. Còn đối với Zeus, kể từ đó vị thần tối cao cai trị trong yên bình, không phải đối mặt với những đại họa mà bà nội Gaia gây ra nữa, bởi bà ta sau dăm phen thất bại đã chịu buông xuôi. Zeus cũng không để bụng chuyện xưa, có nguồn cho rằng ông đã thả các Titan và cả Cronus cha ông khỏi Tartarus và đưa họ tới những hòn đảo vĩnh hằng của hạnh phúc (Isles of the Blessed).


3. Hecatoncheires


Hecatoncheires có nghĩa là “Kẻ trăm tay”. Thật vậy, Hecatoncheires là ba sinh vật khổng lồ trông hơi bị quái thai ngâm giấm với 100 cánh tay và 50 cái đầu (không hiểu đi đứng kiểu gì). Và cũng giống như Cyclops, chúng đều do Đất mẹ Gaia và Bầu trời Uranus sinh ra, và ngay lúc mới sinh, vì hình dạng quá gớm ghiếc mà chúng đã bị Uranus tống xuống địa ngục Tartarus. Tên chúng lần lượt là Cottus, Briareus and Gyges.

Sau này trong đại chiến với các Titan, Zeus đã giải phóng các Hecatoncheires. Chúng trở thành đồng minh và giúp ông đánh bại các Titan và nhốt những bậc cha chú xuống Tartarus. Nhiệm vụ canh gác địa ngục Tartarus được Zeus giao lại cho các Hecatoncheires sau khi chiến tranh qua đi.

4. Cyclops


Cyclops là tên gọi chung của những gã khổng lồ một mắt. Những Cyclops thế hệ đầu tiên được sinh ra bởi sự phối ngẫu của Đất mẹ Gaia và Bầu trời Uranus, chúng tên là: Brontes, Steropes và Arges. Cả ba Cyclops đều là những thợ rèn tài giỏi, họ đã rèn ra những loại vũ khí kỳ diệu cho các vị thần Olympus: tia sét của Zeus, đinh ba của Poseidon, mũ tàng hình của Hades…

Cyclops


Nửa đầu cuộc đời của họ là cuộc sống bị cầm tù. Uranus lo sợ sức mạnh của những Cyclops sẽ lật đổ mình nên đã nhốt họ xuống địa ngục Tartarus. Họ bị giam cầm trong suốt cả thời Uranus thống trị, rồi sau đó là thời Cronus, cho đến khi Zeus giải thoát cho họ. Các Cyclops trở thành đồng minh quan trọng của Zeus trong cuộc chiến chống lại các vị cha chú Titan. Vì công lao ấy, cả ba Cyclops được giữ lại trên đỉnh Olympus, giúp việc cho thần thợ rèn Hephaestus. Họ đã giúp Olympus xây dựng lên những công trình kỳ vĩ và những vũ khí nhiệm màu.


Về sau, vì Zeus đã dùng tia sét do lũ Cyclops rèn để giết chết Asclepius, vị thần y học và là đứa con cưng của Apollo, mà thần Apollo đã giận cá chém thớt, giết cả ba gã Cyclops. Người đời kể rằng những bóng ma của chúng vẫn lảng vảng quanh ngọn núi lửa Aetna.

Thế hệ thứ hai của dòng giống Cyclops không rõ nguồn gốc, nhưng kẻ đứng đầu trong số chúng là gã cyclops Polyphemos hùng mạnh, con trai của thần Poseidon và tiên nữ Thoosa (con gái hải thần Phorcys). Khác với thế hệ đầu, thế hệ Cyclops mới này thường rất hung bạo, thô kệch và có tính khí thất thường, nhưng lại làm nghề chăn cừu thanh đạm. Một ngày kia, người anh hùng Odysseus phiêu dạt tới hòn đảo này, đoàn người đi cùng bị lũ Cyclops bắt giữ và ăn thịt. Odysseus sau nhiều ngày bị giam cầm đã cùng các đồng đội chọc mù mắt lũ Cyclops và thoát thân. Thần Poseidon mang mối hận thù với Odysseus vì hại con trai ông ta cũng từ ngày đó.

Cre: Epic News
------------------------

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Truyền Thuyết Khổng Tước Minh Vương Bồ tát



Khổng Tước Minh Vương vốn là con Khổng Tước đầu tiên có từ thời khai thiên lập địa, lông vũ màu vàng ròng, to lớn vĩ đại, là vua của loài chim khổng tước, qua mấy ngàn năm đã tu luyện thành công phép Ngũ sắc thần quang và về sau được đức Chuẩn Đề Vương Bồ tát hóa độ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng miêu tả vị Bồ tát này đầu đội mão anh lạc, quanh người đeo các thứ trang sức bằng châu báu sáng ngời, ngồi thế kiết già trên đóa bạch liên, ngự trên lưng con khổng tước thân kim sắc. Phật mẫu Khổng Tước hiện ra từ bi đại tướng có bốn cánh tay: tay thứ nhất bên phải cầm hoa sen bung nở, tay thứ hai bên phải cầm trái Câu Duyên, tay thứ nhất bên trái đặt ấn Kiết Tường, tay thứ hai bên trái cầm lông vũ chim khổng tước. Về sau, Khổng Tước Minh Vương Bồ tát trở thành vị tôn giả hầu cận Đức Phật.

Truyền Thuyết Khổng Tước Minh Vương Bồ tát


Nguyên căn của việc Chuẩn Đề Bồ tát hóa độ Khổng Tước phải kể từ khi Ngài còn ở kiếp làm chim Khổng Tước, Đức Phật kể rằng: "Vào một kiếp xa xưa có con Khổng Tước toàn thân phủ kim sắc, thường ngày siêng năng trì thụ thần chú rất tinh tấn, vì vậy mà thần chú luôn phóng quang bảo vệ Khổng Tước, bất cứ thứ gì cũng không làm hại được nó. Một hôm nọ Khổng Tước vì mê đắm ái dục đã cùng bầy công mái dạo chơi ở một khu rừng rất xa, mãi vui chơi nên quên mất trì chú, Khổng Tước bị thợ săn bắt được. May sao lúc bị bắt nó kịp hồi phục chánh niệm, lập tức trì tụng thần chú nhờ vậy mà thoát được trùng vây."

Truyền thuyết Mật tông nói rằng, khi Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai đắc đạo, lúc đó Khổng Tước chưa được Ngài Chuẩn Đề hóa độ, bản tính hung hăng đã nuốt Như Lai vào bụng. Không ngờ từ trên lưng Khổng Tước lại hiện ra vết nứt lớn, Như Lai từ trong vết nứt mà phóng quang thoát ra ngoài, lúc Như Lai ngự trên lưng Khổng Tước thì vết nứt kia lập tức liền lại. Chính vì Như Lai từng ở trong bụng Khổng Tước cho nên về sau khi đắc thành đạo quả được gọi là Khổng Tước Phật Mẫu. Cũng chính vì sự việc này mà con đại bàng Kim Sí Điểu trốn xuống trần làm yêu quái, ngang nhiên bắt Đường Tăng, nó ngang tàng hống hách tự xưng là cậu của Như Lai cũng chính bởi Kim Sí Điểu vốn là em trai của Khổng Tước, đều là con của Phượng Hoàng.

Truyền Thuyết Khổng Tước Minh Vương Bồ tát


Ở một câu chuyện khác, khi chim công là dòng dõi được lưu truyền của Phượng Hoàng nên cũng thuộc hàng thiên giới. Vào thời Phong Thần con chim này đã thác sanh xuống thế gian tên là Khổng Tuyên, vốn là một viên tướng tài ba của nhà Thương, đã phụng lệnh vua Trụ lãnh binh đánh Khương Tử Nha. Khổng Tuyên có thần lực tỏa hào quang ngũ sắc cực kì mạnh mẽ, có thể thâu tóm các loại bảo khí của Tiên gia dễ dàng. Kể cả Tứ Đại Thiên Vương cũng đành chịu thua, vì không có cách nào khắc chế hào quang ngũ sắc kia nên Khương Thượng thỉnh mời Chuẩn Đề Vương Bồ tát từ Tây Phương đến hàn phục Khổng Tuyên. Về sau Khổng Tuyên theo Ngài Chuẩn đề tu hành, Khổng Tước từ đó nguyện thọ trì phật pháp. Khổng Tước nguyện theo Chuẩn Đề Bồ tát tu hành, nguyện lấy thân làm bảo tọa cho ngài ngồi để đền ơn hóa độ.

Trong tác phẩm "Mạn Hoa", trong trận chiến long trời lở đất, quỷ khốc thần sầu của Như Lai và Thiên Ma. Cuối cùng Như Lai dùng thần chú phong ấn Thiên Ma. Không ngờ, 500 năm sau Khổng Tước là một trong sáu đại minh vương lại vô tình giải thoát cho Thiên Ma ra khỏi phong ấn.
Cre: EPIC NEWS

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

12 Titans - Titanides trong thần thoại Hy Lạp



Trong số những người con của Gaia và Uranus có 12 vị thần khổng lồ, được gọi là các Titans (nam) và Titanides (nữ). Các vị thần này theo truyền thống gia đình cũng anh em trong nhà lấy nhau theo cặp, sinh con đẻ cái, tạo ra những hậu duệ, trong đó có thế hệ thần linh Olympus lừng danh. 12 vị đó, lần lượt bao gồm:

Oceanus và Tethys:

Oceanus


Titan Oceanus là vị thần cai quản biển khơi, ông lấy người em gái Tethys và đây đích thị là cặp đôi mắn đẻ hàng đầu Hy Lạp, sinh ra ba ngàn trai, ba ngàn gái trải khắp bốn phương. Các nam thần đều là các vị thần sông, còn các vị nữ thần là các tiên nữ biển cả gọi chung là Oceanids. Trong số các Oceanids có rất nhiều nữ nhân có tên tuổi trong thần thoại Hy Lạp, phải kể đến Metis - vợ đầu của Zeus, Amphitrite - đệ nhất phu nhân đại dương vợ thần Poseidon, Thetis - mẫu thân của anh hùng Achilles…

Tethys


Coeus và Phoebe:

Coeus


Hai anh em vợ chồng này sinh ra hai chị em Leto và Asteria. Leto chính là mẹ của hai anh em Apollo và Artemis, còn Asteria sau lấy anh họ Perses và sinh ra nữ thần của Ma thuật Hecate. Đôi vợ chồng này ít được nhắc tới trong thần thoại.
Phoebe


Hyperion và Theia:

Hyperion


Đôi vợ chồng này lại sinh ra ba anh em Helios – thần Mặt trời, Selene – nữ thần Mặt trăng và Eos – nữ thần Rạng đông có những ngón tay hồng. Cặp đôi này cũng ít được nhắc tới trong thần thoại.
Theia

Cronus và Rhea:


Cronus


Titan Cronus và Rhea lại sinh ra sáu vị thần: ba nữ thần (Hestia, Demeter, Hera) và ba nam thần (Hades, Poseidon, Zeus). Về Cronus sẽ có nhiều điều để kể, phải dành một bài riêng. Đôi này ắt là cặp vợ chồng nở mày nở mặt nhất trong mấy anh em, có dàn “con nhà người ta” thống trị đỉnh Olympus. Ngoại trừ chuyện ông bố dã tâm bị thằng con nhốt xuống Tartarus giam cầm… ừ thì gia đình vẫn đáng để nở mày nở mặt.

Rhea


Crius:

Crius

Titan Crius lại nói không với cưới chị em trong nhà, thay vào đó ông cưới em họ Eurybia là con gái của Đất mẹ Gaia và Biển cả Pontus. Họ sinh ra ba anh em Astraeus, Pallas và Perses. Con cái của ba anh em nhà này cũng khá nhiều thần được biết đến: những vị thần của bốn ngọn gió, Hecate nữ thần ma thuật, Nike nữ thần chiến thắng, nữ quái Scylla, hay có cả một vị thần tên là… Kratos! (Kratos mà lại không phải là Kratos).

Iapetus:

Iapetus

Titan Iapetus cũng không cưới chị em ruột, mà lấy người cháu họ là một tiên nữ Oceanid tên Clymene. Họ sinh được bốn người con trai gồm Atlas - vị thần đỡ cả bầu trời, Prometheus - vị thần đem lửa xuống cho loài người, Epimetheus và Menetius.

Themis:

Themis

Bà là nữ thần Công lý và Pháp luật. Bà từng kết hôn với Zeus và sinh ra những nữ thần Horae. Về bà đã có bài viết riêng trong album Thần thoại Hy Lạp.

Mnemosyne:

Mnemosyne

Titanide Mnemosyne là nữ thần của Trí nhớ và Ký ức. Nhờ có bà mà con người lưu giữ lại được kinh nghiệm và hiểu biết trong cuộc sống. Lại cũng giống như Themis, bà có tằng tựu với thần Zeus, không chỉ một lần, mà chín lần trong chín đêm liên tiếp, sinh ra chín nàng Muses - những nàng tiên nghệ thuật.

Cre: Epic
-----------------------------

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Những Báu Vật Nổi Tiếng Trong Truyền Thuyết Phần 2


1. Rượu Thi ca


Bạn cứ tưởng tượng thế này, ở thời đại của những người Viking, chẳng có mạng xã hội hay là Iphone, đến cái rạp chiếu phim cũng chẳng có, chỉ có 2 cách để bạn có thể chinh phục một cô gái và thuyết phục cô ấy đẻ con trai cho, thứ nhất là to khỏe dũng mãnh như thần Thor, lao như điên trên chiến trường và múa rìu loạn cả lên. Cách thứ 2 là trở thành một người thông thái, ăn nói thông tuệ và miệng lưỡi luôn tràn đầy văn thơ.
Thực ra thì cách thứ nhất có thể còn dễ dàng hơn với người Viking. Chính vì vậy mà Rượu Thi ca (Mead of Poetry) trở thành một báu vật đáng khao khát của con người thời đó.
Theo truyền thuyết, thứ rượu kì lạ này có liên quan đến cái chết thương tâm của thần Kvasir. Ông là vị thần của Tri thức. Kvasir luôn chịu khó học hỏi và thường chu du khắp muôn nơi để thu thập các kiến thức, chính vì vậy mà chẳng có câu hỏi nào trên đời mà Kvasir không thể giải đáp.
Một ngày nọ, Kvasir bị 2 gã người lùn lừa đến nhà rồi giết chết (vì chúng ghen tị với trí tuệ của ông). Chúng lấy máu của thần Kvasir, trộn với rượu mật ong của người lùn, đem ủ và tạo ra một loại rượu mới vô cùng thơm ngon, không những thế khi uống vào lại khiến người ta trở nên thông minh, hiểu biết và có khả năng sáng tác văn thơ. Một kẻ ngu đầu dốt nát nếu uống loại rượu này cũng có thể trở thành học giả hay thi sĩ. Hai tên người lùn cũng không giữ thứ rượu quý giá này được lâu. Về sau, nó rơi vào tay gã khổng lồ Suttung. Suttung giấu các thùng rượu Thi ca dưới lòng núi Hnitbjorg và cho con gái hắn là Gunnlod canh giữ.
Thần Odin, ngồi trên ngai cao của mình ở Asgard đã thấy rõ mọi chuyện. Với một vị thần đam mê tri thức như Odin, ông không thể để thứ rượu quý giá này rơi vào tay lũ khổng lồ hay người lùn. Bằng nhiều phép biến hóa, cuối cùng Odin cũng lừa được anh trai của Suttung dẫn mình đến chỗ cất giấu rượu và giúp ông khoan thủng lòng núi. Odin biến thành một chàng trai quyến rũ, đồng ý ngủ với nàng khổng lồ Gunnlod trong 3 đêm để đổi lấy 3 thùng rượu Thi ca (vì rượu bán thân).
Sau 3 đêm loan phụng đảo điên, thần Odin ôm ngay 3 thùng rượu ra cánh đồng uống sạch sành sanh rồi hóa thành con đại bàng bay về Asgard (chắc sợ đến già). Suttung nhanh chóng phát hiện ra và cũng hóa thành đại bàng đuổi theo Odin nhưng các vị thần ở Asgard đã kịp trông thấy và ra tay ngăn chặn tên khổng lồ. Thần Odin (trong lốt con đại bàng), há mỏ nhổ đống rượu đang ngậm trong họng xuống cho các vị thần cùng uống, từ đó mà vị nào ở Asgard cũng thông tuệ, tài giỏi. Tương truyền, có một vài giọt rượu rơi xuống Midgard nên con người chúng ta được hưởng sái từ các thần, giờ mới thông minh như thế, mới xuất hiện những học giả, nhà thơ, nhà văn cho đến bây giờ. Đương nhiên, vì chỉ là "bản dùng thử" nên trí thông minh của con người chẳng bao giờ sánh nổi các vị thần dùng bản full cả.

2. Những phiến đá Định mệnh


Trong thần thoại của người Lưỡng Hà tồn tại một thần vật quý báu, đó là bộ 3 phiến đá của định mệnh, 1 phiến tượng trưng cho tương lai, một phiến là quá khứ và một phiến là hiện tại và do thần Enlil - vị thần của gió nắm giữ.
Theo miêu tả, những phiến đá này đều có lỗ ở giữa để gắn vào một cây trục giúp những phiến đá có thể quay tròn liên tục (như số phận con người luôn chuyển động và biến đổi không ngừng vậy). Cũng tương tự như cuốn sách của thần Thoth trong thần thoại Ai Cập, trên những phiến đá Định mệnh có ghi chép những kiến thức về vũ trụ và thế giới, sự tồn tại của thần linh và vạn vật... Sở hữu những phiến đá này cũng tức là sẽ có khả năng thấu hiểu vạn sự trên thế gian, nắm giữ những tri thức bí mật của vũ trụ, có được những quyền năng của một vị thần tối cao. Không những thế, vì là những phiến đá của Định mệnh, người nắm giữ chúng còn có thể tác động, thay đổi số phận của chính mình và những người khác... Những quốc gia sở hữu chúng cũng có thể khiến quân đội của mình trở nên hùng mạnh, bất bại trên chiến trường. Có lẽ chính vì sự toàn năng của thần vật này mà các vị thần đã cố gắng giữ gìn để nó không bao giờ có cơ hội lọt vào tay một người trần nào, (và có vẻ họ làm việc này khá tốt).
Một trong số những kẻ hiếm hoi đánh cắp được những phiến đá Định mệnh khỏi tay thần Enlil là Anzu - một con ác điểu khổng lồ nửa sư tử nửa đại bàng. Ngay khi những phiến đá bị đánh cắp, thế giới dường như mất đi sự cân bằng vốn có và rơi vào trạng thái hỗn loạn. Các vị thần nhanh chóng cử thần Ninurta - vị thần săn bắn và chiến tranh, dùng cây cung của ông giết chết con quái vật, đoạt lại những phiến đá.
Trải qua nhiều giai đoạn biến động, nhữnng phiến đá cũng không còn thuộc sở hữu của riêng thần Enlil nữa. Các vị thần lập ra một hội đồng bình chọn và những phiến đá lần lượt được trao cho Enki, Tiamat. Trong cuộc nội chiến các vị thần, Tiamat treo 3 phiến đá cho con trai và cũng là chiến tướng của bà - thần Kingu để tăng sức mạnh. Thế nhưng Kingu lại bị đánh bại bởi Marduk - con trai của Enki. Marduk giết Kingu, đoạt lấy 3 phiến đá Định mệnh, trở thành người lãnh đạo chư thần và lập ra vương quốc Babylon hùng mạnh.

3. Chiếc hộp Pandora


Đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc không phải thứ báu vật nào của thần linh cũng đều tốt lành đối với chúng ta.

Trước khi giải thích chiếc hộp Pandora là gì, người viết xin kể lại một chút về nguồn gốc của loài người chúng ta trong thần thoại Hy Lạp, điều có liên quan mật thiết với câu chuyện về chiếc hộp này.

Sau cuộc chiến giữa các Titan và các Olympian, Zeus và các anh chị em thắng trận. Họ trở thành các vị thần cai quản Olympus cũng như thế gian, còn các Titan bao gồm cả cha họ là Cronus thì bị giam cầm dưới địa ngục Tartarus
Có 2 Titan thoát khỏi cảnh ngục tù đó là Prometheus và Epimetheus, bởi 2 ông này không tham gia vào cuộc chiến. Zeus đã giao cho 2 ông nhiệm vụ tạo ra con người và các sinh vật sống khác trên trần gian.

Prometheus lấy đất sét nặn ra con người, rồi thần Athena thổi sự sống vào. Epimetheus có nhiệm vụ trao tặng những khả năng đặc biệt cho muôn loài như sự nhanh nhẹn, tốc độ, sức mạnh, đôi cánh ….Không may rằng, đến khi Prometheus tạo ra con người thì Epimethus đã trao tặng hết các khả năng tốt cho các loài khác, chẳng còn lại gì cho loài người chúng ta.

Prometheus, vì rất yêu quý con người, đã tạo hình cho con người có dáng đứng thẳng như các vị thần, và ông còn lén ăn cắp ngọn lửa của các vị thần, đem xuống cho loài người. Nhờ có lửa của Prometheus, loài người yếu đuối không còn sợ bóng tối và thú dữ, dần dần mới phát triển cho đến ngày nay.

Khi biết chuyện, thần Zeus vô cùng nổi giận và quyết định trừng phạt Prometheus cùng loài người.

Với Prometheus, Zeus xích ông vào ngọn núi Caucasian và ngày này sai một con chim khổng lồ đến khoét ruột gan ông, bắt Prometheus phải chịu đựng nỗi đau đớn đó hàng ngày. Về sau, chính anh hùng Heracles – con trai của Zeus, đã giết chết con chim, chặt đứt xích và giải thoát cho Prometheus.

Còn đối với loài người, thần Zeus có một cách trừng phạt khác. Zeus ra lệnh cho thần thợ rèn Hephaestus nặn ra một người phụ nữ tên là Pandora. Nàng là người phụ nữ đầu tiên của loài người.

Các vị thần đều trao tặng những món quà cho Pandora. Nữ thần Athena cho nàng quần áo, Aphrodite cho nàng sắc đẹp, thần Appollo cho nàng khiếu âm nhạc, thần Hermes cho nàng khả năng nói…

Sau đó, thần Zeus gả Pandora cho Epimetheus và để họ sống chung với loài người. Món quà cuối cùng mà Zeus tặng cho Pandora là một chiếc hộp. Đó cũng là sự trừng phạt của Zeus.

Mặc dù Prometheus đã cảnh báo Epimetheus chớ nên nhận món quà của Zeus, nhưng Epimetheus lại quá chiều lòng vợ mình – nàng Pandora xinh đẹp mà giữ lại món quà ( đấy cái tội nghe lời vợ là không bao giờ khá được mà).
Tuy đã được căn dặn không được mở hộp ra, nhưng Pandora không chiến thắng nổi sự tò mò, mở nắp hộp, và mọi điều xấu xa, độc ác trong đó thoát ra. Từ đó, con người mới có những đức tính xấu như lòng tham, sự đố kỵ, giả dối, phản bội … Chúng ta hận thù, tranh giành và chém giết nhau, tạo ra những cuộc chiến tranh cũng là do chiếc hộp của Pandora.

Tuy vậy, người ta nói rằng, vẫn còn một điều tốt đẹp hiếm hoi sót lại trong chiếc hộp của Pandora, đó là niềm hy vọng. Nhờ có hy vọng, con người mới có thể đứng vững và vượt qua mọi thử thách, khó khăn của cuộc đời.

4. Bàn tay Vinh quang


Đây là một truyền thuyết nổi tiếng trong giới đạo chích châu Âu thời xưa. Bàn tay Vinh quang (Hand of Glory) thực chất là một bàn tay khô của người chết, được những tay trộm mang theo bên mình như một tấm bùa may mắn mỗi khi thực hiện một phi vụ nào đó. Theo những lời đồn thổi, thì Bàn tay Vinh quang thực sự có những đặc tính ma thuật giúp cho chủ sở hữu có thể đạt đến đỉnh cao vinh quang của ngành đào tường khoét vách ví dụ như:
- Cầm theo Bàn tay Vinh quang khiến tên trộm có thể nhìn trong bóng tối hoặc khiến hắn trở nên vô hình
- Được sử dụng để làm một cây đèn thắp sáng, lửa sẽ không bao giờ tắt
- Có khả năng mở được mọi ổ khóa cho dù phức tạp nhất, kiên cố nhất
- Mỗi khi giơ ra có thể ru ngủ chủ nhà hoặc làm bất động những kẻ nhìn thấy
Một lợi ích quan trọng nữa, khi lấy các ngón tay trên Bàn tay Vinh quang để làm nến thắp sáng, nếu tất cả các ngón tay đều bắt lửa thì tức là mọi người trong ngôi nhà mà tên trộm đang đột nhập đều đã ngủ say, và một khi các ngọn lửa còn sáng thì tức là chưa có ai tỉnh dậy. Và đương nhiên, khi thắp lửa mà có một ngón tay không sáng thì tức là có người trong nhà đang thức, hoặc có thể là số lượng người trong ngôi nhà đó ít hơn số ngón tay (ít hơn 5). Điều này là vô cùng quan trọng và có thể là yếu tố mấu chốt giúp những tên trộm có làm ăn trót lọt hay không khi biết được số người có trong nhà, đã ngủ hay còn thức.

Vậy bàn tay Vinh quang được tạo ra như thế nào? Nếu dễ dàng có được thì hẳn ai cũng bỏ việc để đi làm đạo tặc mất. Ngoài việc phải là 1 kẻ to gan lớn mật, dám mang theo một bàn tay người chết trong người, thì việc chế tạo ra một bàn tay Vinh quang cũng khá kì công, Bàn tay được dùng để tạo ra thứ bùa này phải là tay của một tên trộm hoặc một tên tội phạm vừa bị treo cổ. Thông thường người ta sẽ chọn lấy bàn tay phải, nhất là của những kẻ bị treo cổ vì tội giết người, vì quan niệm cho rằng bàn tay phải thường sẽ khéo léo hơn (cũng có những kẻ thì cho rằng nên chặt lấy bàn tay trái để làm bùa sẽ tốt hơn, vì tay trái phù hợp với những việc làm sai trái). Bàn tay phải được lấy vào lúc nửa đêm, tốt nhất là trong khoảng thời gian diễn ra nguyệt thực. Máu phải được rút ra hết, sau đó phải đem bàn tay ngâm với một thứ dung dịch đặc biệt gồm muối và ớt trong 2 tuần, sau đó vớt ra đem phơi khô trong nhiều tháng (cứ như làm ô mai ý nhỉ). Trong toàn bộ quá trình chế tạo Bàn tay Vinh quang, tên trộm còn phải thực hiện những nghi thức và đọc những câu thần chú cần thiết. Thứ dầu để thắp sáng những ngón tay này cũng không hề tầm thường mà phải làm từ mỡ và tóc của người đã chết.

Tuy nhiên, theo truyền thuyết, cũng có một số phương pháp để các chủ nhà có thể sử dụng để ngăn ngừa và vô hiệu hóa ma thuật của thứ bùa hắc ám này bằng cách bôi lên cửa ra vào và cửa sổ một hỗn hợp gồm mật của mèo đen, mỡ của gà mái trắng và máu của một con cú, và nhất định phải được bôi vào ngày nóng nhất của mùa hè, nếu không sẽ không linh nghiệm. Xem ra cả tay trộm và chủ nhà đều khá vất vả chẳng ai kém ai nhỉ?

5. Rương Thánh tích


Chiếc rương của người Do Thái là một thánh tích kể về những tấm bảng chứa mười điều răn dạy mà Moses đã thu nhận được từ Chúa. Những tấm bảng này còn được cho là một cách nói chuyện với Chúa. Vì vậy, người ta cho rằng chiếc rương chứa sức mạnh rất lớn khi những người Do Thái bị trục xuất khỏi Ai Cập, người ta cho rằng chiếc rương này đã giúp rẽ nước sông Jordan để những người Do Thái kia có thể trốn chạy. Tuy nhiên, khi rơi vào tay kẻ xấu, chiếc rương này sẽ mang những lời nguyền vô cùng khủng khiếp.

Khi Philistines cướp chiếc rương, người dân toàn bộ thành phố đã bị suy sụp vì căn bệnh trĩ do đó họ sớm phải trả lại chiếc rương cho chủ của nó, đó là những người Do Thái

Có nhiều cầu chuyện về cơn thịnh nộ của chiếc rương này trong kinh thánh. Nơi cất giữ chiếc rương này hiện nay vẫn chưa ai biết.Trong nhiều ghi chép cổ, có nhiều quy luật khi nắm giữ chiếc rương: hai chiếc sào để nâng rương không bao giờ được bỏ đi, chiếc rương cần phải được nâng lên vai trong quá trình di chuyển và bất cứ ai chạm vào chiếc rương này đều phải dẫn đến chết

Cre: Epic