Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

Thần Thoại Lưỡng Hà Phần 1

1. Tiamat 

Trong thần thoại Lưỡng Hà, Tiamat vừa là biểu tượng của sự khởi nguyên, lại đồng thời đại diện cho sự hỗn mang, hủy diệt.



Khởi nguyên vũ trụ chỉ có mênh mông biển nước. Tiamat là vị nữ thần của đại dương, là vùng nước mặn nguyên thủy; khi hòa quyện với vùng nước ngọt của nam thần Apsu bỗng khởi sinh ra vạn vật và sự sống, cũng như đàn con là các vị thần trẻ. Lúc này, bà thường mang hình ảnh của một người phụ nữ hiền hòa, xinh đẹp, đấng sáng tạo nên vạn vật chúng sinh. Sự kết đôi của nước mặn và nước ngọt giúp vũ trụ hài hòa, thanh bình.

Thế nhưng, lại chính tay Tiamat đem đến sự hỗn loạn. Nguyên do là thế hệ con cháu mà họ sinh ra. Tiamat và Apsu đẻ ra hai vị nam thần, nữ thần của những vì sao Lahmu và Lahamu. Hai anh em lại lấy nhau, sinh ra hai vị thần đại diện cho bầu trời và mặt đất Anshar và Kishar. Anshar và Kishar lại sinh ra thần Tối cao Anu, vua của các vị thần, người cai trị bầu trời, chòm sao cùng mọi linh hồn và quỷ dữ.

Khi các vị thần sinh sôi quá nhiều và khiến thế gian trở nên náo động, Apsu có ý định giết bớt những đứa con của mình đi, nhưng cuối cùng lại bị ông chút trai Enki, con trai của Anu giết chết. Tức giận vì cái chết của chồng, Tiamat hóa thân thành một con rồng biển nhiều đầu hung bạo và tạo ra một đội quân 11 con quái vật nhằm tiêu diệt tất cả. Những đứa con của Tiamat phải kể tới: Bašmu (“Độc Xà”), Ušumgallu (“Đại Long”), Mušmaḫḫū (“Thượng Xà”), Mušḫuššu (“Nộ Xà”), Laḫmu (“Mao Quái”), Ugallu (“Thời Tiết Quái”), Uridimmu (“Cuồng Sư”), Girtablullû (“Nhân Yết"), Umū dabrūtu (“Cuồng Phong"), Kulullû (“Nhân Ngư") and Kusarikku (“Nhân Ngưu”). Lãnh đạo đội quân quái vật là thần Kingu, đứa con chung của Apsu và Tiamat. Kingu được mẫu thân giao cho Phiến đá Định mệnh, tăng quyền lực của hắn lên gấp bội, mệnh lệnh hắn phán truyền chẳng kẻ nào dám chối cãi.

Trong thời điểm toàn bộ chư thần bất lực trước quyền năng của mẹ con Tiamat, thần Bão tố Marduk (con trai của thần Enki và Ninhursag) được các vị thần truyền lại ngôi vương, một mình xông pha chiến trường đối đầu với bà cố tổ. Marduk đánh một trận long trời lở đất, cuối cùng dùng chiếc lưới của thần Anu giăng bẫy Tiamat rồi bắn tên giết chết bà ta, đoạn chặt đôi thân xác Tiamat ra làm hai phần để tạo ra trời và đất. Cũng từ đôi mắt của Tiamat chảy ra hai con sông lớn Tigris và Euphrates, chính là hai dòng sông tạo nên vùng châu thổ Lưỡng Hà sau này. Marduk lại tả xung hữu đột, bắt sống toàn bộ lũ quái vật con của Tiamat, và giết chết Kingu để dùng máu hắn trộn với đất sét tạo ra loài người. Người ta kể rằng giống loài rồng và những con quái vật cũng là do Tiamat để lại trên trần gian trước khi tử trận.



2. Anu


Trong thần thoại Lưỡng Hà, Anu là vị thần tối cao cai quản bầu trời, thiên đường, là chúa tể của các chòm sao, vua của các vị thần. Về thân thế của thần Anu lại có đôi chỗ khác biệt trong thần thoại. Sử thi Enuma Elish chép lại rằng Anu là con trai của thần Anshar và Kishar, hậu duệ của hai vị thần khởi thủy Apsu và Tiamat. Còn trong sử thi Gilgamesh thì Anu lại được cho là sinh ra từ vùng đại dương nguyên thủy Nammu.

Thần Bầu trời Anu lấy vợ là nữ thần của Đất mẹ Ki, cùng nhau họ sinh ra nhiều người con, nổi bật nhất trong đó là thần gió Enlil và thần nước Enki. Anu cùng hai con trai lập thành bộ ba vị thần quyền lực nhất thần điện Lưỡng Hà.

Người ta tin rằng, thần Anu là người phán xét những kẻ có tội, và ông tạo ra những ngôi sao chổi kishru đóng vai trò như những người lính thay ông trừng phạt kẻ ác. Trong sự kiện đại chiến với nữ thần Tiamat, Anu lui về hậu cung và để lại ngôi vương cai quản các vị thần cho người cháu nội là thần Marduk. Ông đã trợ lực Marduk rất nhiều trong trận chiến với Tiamat, nhưng về sau cũng gây khó dễ cho cháu nội đôi lần. Có giai thoại kể rằng khi loài người quá đông đúc, Anu và Ki đã sinh ra bảy con quái vật và ban chúng cho thần dịch bệnh Erra để ông ta gieo rắc tai ương dọn dẹp nhân loại. Loạn lạc khiến cho thần Marduk bất lực, bỏ cả ngai vàng, nhân cơ hội đó Erra nhảy vào tiếm ngôi. Mãi về sau nhờ sự trợ giúp của người cha Enki, Marduk mới trở về giành lại được ngôi báu.



3. Enlil - Phong thần Lưỡng Hà 


 Enlil là vị thần của gió và không khí trong thần thoại Lưỡng Hà, thần bảo hộ của thành Nippur, và là con trai của bầu trời Anu và đất mẹ Ki. Theo truyền thuyết, thuở ban đầu trời và đất gắn liền lấy nhau, cho đến khi Enlil dùng không khí để tách hai phần ra, thần Anu cai quản phần trời, còn thần Ki giữ phần đất.


Không những thế, ông còn có công lớn vì đã chế tạo ra cái cuốc, một công cụ lao động vô cùng quan trọng và phổ biến của con người khi xưa trong quá trình khai hoang vỡ đất, hình thành xã hội. Ông cũng dùng quyền phép tạo ra hai vị thần của trồng trọt và chăn nuôi là Emesh và Enten giúp người nông dân lao động.

Thần Enlil từng nắm giữ Phiến đá Định mệnh, ban cho ông sức mạnh tối thượng, tạo ra gió bão và các mùa trong năm. Có giai thoại kể rằng con ác điểu khổng lồ Anzu, nửa sư tử nửa đại bàng đã đánh cắp phiến đá từ Enlil khiến cho thế giới trở nên mất cân bằng và hỗn loạn. Các vị thần khẩn cấp giao cho thần săn bắn Ninurta bắn chết con chim đoạt lại phiến đá. Về sau phiến đá không còn thuộc về ông nữa mà rơi vào tay nữ thần khởi thủy Tiamat; bà ta lại giao cho con trai Kingu để nổi dậy chống lại các vị thần, nhưng hắn đã để thần Marduk đánh bại, đoạt lại phiến đá và lên ngôi vua của các thần.

Vợ của Enlil là nữ thần Ninlil xinh đẹp. Giai thoại kể rằng thần Enlil si mê nàng, bèn quyến rũ nàng khi đang tắm sông và có với nàng một đứa con, sau này chính là thần Mặt trăng Nanna. Vì điều này mà các vị thần đày Enlil xuống cõi âm Kur. Đến lượt Ninlil si tình, lặn lội xuống tận âm phủ để tìm người thương. Ninlil bắt gặp Enlil lúc đó đóng giả người gác cổng cõi âm, nàng hỏi có biết Enlil ở đâu, ổng đáp rằng không biết. Đoạn Enlil lại quyến rũ Ninlil trong lốt người gác cổng và có với nàng đứa con là thần chết Nergal. Tiếp đó Enlil lại roleplay trong vai người gác sông và người đưa đò âm phủ, rồi lần lượt khiến Ninlil mang thai, sinh ra hai đứa con Ninazu và Enbibulu. Vậy... há chẳng phải tự cắm sừng chính mình hay sao?

Enlil nổi tiếng là vị thần nghiêm khắc và hay nổi giận, đã từng tạo ra một trận hồng thủy định nhấn chìm tất cả nhân loại. May thay em trai ông là thần Enki kịp cảnh báo đức vua Ziusudra mà kịp cứu nhiều người và sinh vật trên một chiếc thuyền lớn. Sau trận hồng thủy, Ziusudra tới phủ phục trước mặt Enlil xin thứ tội cho loài người. Vị thần bắt loài người phải hứa sẽ không sinh đẻ vỡ kế hoạch và phải biết sống hòa hợp với thiên nhiên nếu không muốn bị tiêu diệt.
 

4. Enki – Thủy thần Lưỡng Hà tự có bầu với chính mình


Enki, hay còn gọi là Ea, là vị thần Lưỡng Hà của nước, nghề thủ công, trí tuệ và ma thuật, người bảo trợ của thành phố Eridu, cũng là “cha đẻ” của loài người. Nguyên do là ban đầu thế giới chỉ có những vị thần sinh sống. Họ phải làm việc vất vả để có cái ăn, bèn bàn bạc với nhau tìm cách làm cho công việc bớt nặng nhọc. Thần Enki nói rằng hãy tạo ra một giống loài có thể thay họ làm việc, vậy là ông nặn ra những hình nhân từ đất sét và thổi linh hồn vào đó để tạo ra con người. Kể từ đó con người lao động để lấp đầy bàn ăn của các vị thần. (Đây là tích được kể lại trong sử thi Gilgamesh, khác với sử thi Enuma Elish lại kể Marduk mới là thần tạo ra con người từ đất sét trộn với máu của Kingu).
 


Đã bóc lột sức lao động con người như vậy, Enki còn tạo ra nhiều ngôn ngữ khiến loài người không hiểu nhau được, và dối lừa con người khiến họ không thể có được sự bất tử. Chuyện kể rằng con người đầu tiên được tạo ra là chàng Adapa, vua thành Eridu. Phận làm vua, trị vì một đô thành, nhưng Adapa còn có sở thích giong thuyền ngao du đây đó. Một ngày nọ, một cơn gió nam đánh chìm thuyền của Adapa khiến chàng nổi cơn thịnh nộ bẻ gãy đôi cánh của gió nam. Thần Anu hay tin, đòi Adapa phải lên chầu để giải trình. Chàng lo lắng tới hỏi “cha loài người” Enki cách ứng đối sao cho thỏa đáng, thì được Enki dặn rằng nếu Anu ban cho thức ăn thì phải từ chối, bởi đó là thức ăn của tử thần. Adapa tin tưởng làm y như vậy, từ chối bữa tiệc thần Anu bày ra, thì Anu cười phá lên, đáp rằng Enki đã lừa chàng. Đó là đồ ăn thức uống ban sự bất tử đến cho con người, nhưng vì Enki không muốn loài người bất tử mà đã lừa Adapa đánh mất cơ hội thiên thu cho nhân loại.

Enki đem lòng yêu nữ thần màu mỡ Ninhursag và tán đổ bà. Bà có mang với ông một người con là nàng Ninsar, rồi bỏ đi trước khi cha kịp nhận mặt con. Enki về sau gặp lại Ninsar nhưng không hay đó là con gái mình, và lại khiến nàng có mang, sinh ra Ninkurra. Một lần nữa, Enki khi tái ngộ Ninkurra lại quyến rũ nàng và khiến nàng có mang, sinh ra nàng Uttu. Enki lại quyến rũ Uttu, nhưng may thay nàng chưa kịp có mang thì Ninhursag hay tin đã vét toàn bộ tinh dịch của Enki trong âm đạo của Uttu và gieo chúng xuống đất, từ nơi đó mọc lên tám cây thần. Enki thấy mọc lên tám cây lạ sai quả, bèn sai người hầu hái xuống cho ông ăn. Ăn chính “tinh hoa” của mình khiến Enki… có bầu, mọc lên bào thai đậu ở khắp người: hàm, răng, miệng, hông, chân, tay, lườn, và sườn, mỗi nơi một cục sưng vù. Bấy giờ nàng Ninhursag mới trở lại cứu Enki, vì dù gì bà cũng không muốn nhân tình chết trong đau đớn. Ninhursag dùng phép đưa tám bào thai vào trong tử cung của mình, và sinh ra tám vị thần chữa lành: Abu chữa đau hàm, Nintul chữa đau hông, Ninkasi chữa đau miệng, Dazimua chữa đau lườn, Enshagag chữa đau tứ chi và Ninti chữa đau sườn. Họ chữa lành cho Enki, sau đó được người cha biết ơn ban cho những tước vị và thành quách khắp chốn Lưỡng Hà. Enki và Ninhursag cuối cùng đoàn viên hạnh phúc.

Dù đôi lúc có hơi HL đi chăng nữa thì Enki cũng nổi tiếng là một vị thần hiền hòa và nhân từ, giải quyết mọi xung đột bằng lý lẽ. Nhờ có Enki mà nhân loại được cứu khỏi trận đại hồng thủy mà thần Enlil gây ra. Ông đã bí mật báo cho một người trần là Ziusudra đóng một con thuyền để cứu người thân và các sinh vật khác, nhờ thế con người không bị tuyệt diệt và tồn tại cho đến ngày nay.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét