Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Quái Vật Hy Lạp



1. Echidna

Truyền thuyết về Echidna



Tạo hóa sinh ra vạn vật đều có đôi có cặp. Ác thần Typhon cũng không phải ngoại lệ. Typhon khủng khiếp cỡ nào thì ắt cũng phải có một mụ khủng khiếp không kém cho đôi lứa xứng đôi. Kẻ đó là Echidna, mụ quái vật nửa người nửa rắn.

Về nguồn gốc của Echidna vẫn còn nhiều tranh cãi, có người nói Echidna là con của nữ hải thần Ceto (con gái của Gaia và hải thần Pontus con trai bà), có người lại nói mụ cũng là một người con của Gaia và Tartarus giống như chồng mụ. Nhưng có một điều chắc chắn, Echidna là vợ của Typhon và cuộc hôn nhân này đã tạo ra những quái vật đáng sợ nhất trong thần thoại Hy Lạp. Phải kể đến trong số đó những cái tên như: chó hai đầu Orthus, chó ngao ba đầu Cerberus, Hydra, sư tử Nemean, đại bàng Caucasian, Chimera, rồng Ladon, rồng Colchian, lợn rừng Crommyonian và Sphinx.


Sau khi lật đổ Zeus bất thành, Typhon bị giam cầm dưới núi lửa Etna, nên duyên với Echidna và sinh ra bầy con quái vật. Echidna và lũ con của mụ được Zeus tha cho bởi ông muốn dùng những con quái vật của Echidna làm thử thách cho các vị anh hùng. Mụ sống lẩn khuất trong một hang động, tránh xa các vị thần và người phàm, nhưng cũng sẵn sàng ăn thịt mọi con người và sinh vật sống bén mảng đến gần.

Trong dân gian, Echidna được coi là hiện thân của bệnh dịch, sự thối nát, suy đồi và những gì căn bã xấu xa nhất. Có người nói rằng mụ bất tử, ngày nay có khi vẫn còn ở đó; có người lại kể Echidna đã bị hạ sát bởi mũi tên của thần Apollo, hoặc Argos Panoptes kẻ tay sai của Hera.

2. Typhon

Truyền thuyết về Typhon


Typhon là một quái thú trong thần thoại Hy Lạp, xứng đáng xếp vào hàng những con quái hùng mạnh nhất trong các thần thoại, bởi thử nghĩ xem, trên đời mấy ai có thể rút gân, đánh bại được thần Zeus quyền năng. Typhon là đứa con cuối cùng của Đất mẹ Gaia phối ngẫu với Địa ngục Tartarus, mang theo sứ mệnh giải cứu những đứa con Titan của Gaia bị Zeus giam cầm, và lật đổ Zeus thống trị thế giới.

Cơ thể Typhon to lớn vĩ đại, đầu muốn chạm tới trời, thân dài như sông biển, lại thêm đôi cánh sải rộng mênh mông. Khắp cơ thể hắn là rắn: đầu là 100 con rắn độc, ngón tay là 10 con rắn, cùng phát ra những tiếng gào rít ghê rợn, miệng có thể phun ra lửa. Lại có thể giả tiếng kêu của động vật, sủa như chó, gầm như sư tử, biến hóa khôn lường. Với vóc dáng khủng khiếp và sức mạnh vô địch, Typhon đã có một cuộc chiến huyền thoại với Zeus. Tất nhiên là sau khi các vị thần linh khác đã… tháo chạy hết sang Ai Cập, biến cả thành động vật để né Typhon, chỉ còn mỗi cha con Athena và Zeus ở lại chiến đấu. Trận chiến diễn ra long trời lở đất, và kết thúc hiệp đầu tiên, Zeus bị Typhon đánh bại, lóc hết gân đem giấu vào bọc cho con rồng Delphyne canh giữ.

Zeus bị rút gân không cử động được, sống không bằng chết, lại bị Typhon nhốt vào một hang động hẻo lánh trên đảo Sicile. Tình hình khiến các vị thần Olympus lao đao vì lo lắng. Lúc đó, thần Hermes và thần Pan đứng ra tìm cách cứu Zeus. Họ tới gặp Typhon với chiếc đàn lyre, lừa nó rằng cây đàn tuyệt diệu này đang bị hỏng dây, và chỉ có gân của một vị thần mới có thể sửa được cây đàn thánh thót trong trẻo như ban đầu. Typhon tin thật, giao cho họ gân của Zeus. Hermes và Pan bèn nối gân cho Zeus, ông trỗi dậy mạnh mẽ hơn xưa, trở lại đối đầu với Typhon. Sau một hồi quần thảo không phân thắng bại, cuối cùng Zeus ném nguyên một quả núi đè bẹp Typhon, giáng nó xuống lòng núi lửa Etna, có người nói nó bị giáng hẳn xuống địa ngục Tartarus. Tương truyền, Typhon bị nhốt dưới lòng núi vẫn không ngừng cựa quậy hòng tìm cách thoát ra, chính vì thế mà nhân gian vẫn thường xảy ra động đất hoặc núi lửa phun trào.

Dưới lòng đất, Typhon lại kết duyên với mụ nữ quái Echidna, sinh ra rất nhiều quái vật có tiếng trong thần thoại Hy Lạp, có dịp sẽ kể sau. Còn đối với Zeus, kể từ đó vị thần tối cao cai trị trong yên bình, không phải đối mặt với những đại họa mà bà nội Gaia gây ra nữa, bởi bà ta sau dăm phen thất bại đã chịu buông xuôi. Zeus cũng không để bụng chuyện xưa, có nguồn cho rằng ông đã thả các Titan và cả Cronus cha ông khỏi Tartarus và đưa họ tới những hòn đảo vĩnh hằng của hạnh phúc (Isles of the Blessed).


3. Hecatoncheires


Hecatoncheires có nghĩa là “Kẻ trăm tay”. Thật vậy, Hecatoncheires là ba sinh vật khổng lồ trông hơi bị quái thai ngâm giấm với 100 cánh tay và 50 cái đầu (không hiểu đi đứng kiểu gì). Và cũng giống như Cyclops, chúng đều do Đất mẹ Gaia và Bầu trời Uranus sinh ra, và ngay lúc mới sinh, vì hình dạng quá gớm ghiếc mà chúng đã bị Uranus tống xuống địa ngục Tartarus. Tên chúng lần lượt là Cottus, Briareus and Gyges.

Sau này trong đại chiến với các Titan, Zeus đã giải phóng các Hecatoncheires. Chúng trở thành đồng minh và giúp ông đánh bại các Titan và nhốt những bậc cha chú xuống Tartarus. Nhiệm vụ canh gác địa ngục Tartarus được Zeus giao lại cho các Hecatoncheires sau khi chiến tranh qua đi.

4. Cyclops


Cyclops là tên gọi chung của những gã khổng lồ một mắt. Những Cyclops thế hệ đầu tiên được sinh ra bởi sự phối ngẫu của Đất mẹ Gaia và Bầu trời Uranus, chúng tên là: Brontes, Steropes và Arges. Cả ba Cyclops đều là những thợ rèn tài giỏi, họ đã rèn ra những loại vũ khí kỳ diệu cho các vị thần Olympus: tia sét của Zeus, đinh ba của Poseidon, mũ tàng hình của Hades…

Cyclops


Nửa đầu cuộc đời của họ là cuộc sống bị cầm tù. Uranus lo sợ sức mạnh của những Cyclops sẽ lật đổ mình nên đã nhốt họ xuống địa ngục Tartarus. Họ bị giam cầm trong suốt cả thời Uranus thống trị, rồi sau đó là thời Cronus, cho đến khi Zeus giải thoát cho họ. Các Cyclops trở thành đồng minh quan trọng của Zeus trong cuộc chiến chống lại các vị cha chú Titan. Vì công lao ấy, cả ba Cyclops được giữ lại trên đỉnh Olympus, giúp việc cho thần thợ rèn Hephaestus. Họ đã giúp Olympus xây dựng lên những công trình kỳ vĩ và những vũ khí nhiệm màu.


Về sau, vì Zeus đã dùng tia sét do lũ Cyclops rèn để giết chết Asclepius, vị thần y học và là đứa con cưng của Apollo, mà thần Apollo đã giận cá chém thớt, giết cả ba gã Cyclops. Người đời kể rằng những bóng ma của chúng vẫn lảng vảng quanh ngọn núi lửa Aetna.

Thế hệ thứ hai của dòng giống Cyclops không rõ nguồn gốc, nhưng kẻ đứng đầu trong số chúng là gã cyclops Polyphemos hùng mạnh, con trai của thần Poseidon và tiên nữ Thoosa (con gái hải thần Phorcys). Khác với thế hệ đầu, thế hệ Cyclops mới này thường rất hung bạo, thô kệch và có tính khí thất thường, nhưng lại làm nghề chăn cừu thanh đạm. Một ngày kia, người anh hùng Odysseus phiêu dạt tới hòn đảo này, đoàn người đi cùng bị lũ Cyclops bắt giữ và ăn thịt. Odysseus sau nhiều ngày bị giam cầm đã cùng các đồng đội chọc mù mắt lũ Cyclops và thoát thân. Thần Poseidon mang mối hận thù với Odysseus vì hại con trai ông ta cũng từ ngày đó.

Cre: Epic News
------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét